Các nguy cơ có thể gặp do thực phẩm chức năng hỗ trợ khớp chứa glucosamine và chondroitine sulfate

glucosamine và chondroitine sulfate

Tóm tắt:

Các thực phẩm chức năng hỗ trợ khớp chứa glucosamine và hoặc chondroïtine sulfate từ nay trở đi sẽ không được khuyên dùng cho một số nhóm đối tượng nguy cơ.

Khuyến cáo do Cơ quan quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường và nghề nghiệp (Anses – Pháp) đưa ra dựa trên các dữ liệu về cảnh giác thực phẩm về tình trạng xuất hiện tác dụng không mong muốn rất đa dạng (tiêu hoá, da, gan) do dùng các sản phẩm nói trên.

Nghiên cứu đánh giá sâu về vấn đề này cho phép xác định các quần thể đặc biệt có thể xuất hiện nguy cơ khi sử dụng glucosamine hoặc chondroitine.

Theo đó, Anses đã đưa ra các khuyến cáo cho các nhân viên y tế, người tiêu dùng và nhà sản xuất nhằm đảm bảo sử dụng đúng cách các sản phẩm nêu trên.

Đặt vấn đề:

Công cụ cảnh giác thực phẩm của Anses (Pháp) đã ghi nhận nhiều tác dụng không mong muốn do dùng các thực phẩm chức năng chứa glucosamine và/ hoặc chondroïtine sulfate.

Đây là các phân tử tự nhiên có trong các mô liên kết và sụn của cơ thể. Các chất này góp phần đảm bảo cấu trúc và độ mềm dẻo của sụn, gân và da.

Nhiều sản phẩm chứa glucosamine và chondroitine sulfate được giới thiệu là có khả năng góp phần hỗ trợ khớp xương đã có mặt đầy rẫy trên thị trường Pháp.

Trong hoàn cảnh đó, Anses đã tiến hành nghiên cứu đánh giá các nguy cơ có thể xảy ra do dùng các thực phẩm chức năng nói trên và xác định các quần thể đặc biệt có nguy cơ xuất hiện do dùng các sản phẩm này.

Các tác dụng không mong muốn có thể gặp do glucosamine và chondroïtine sulfate

Kể từ khi thiết lập công cụ cảnh giác thực phẩm vào năm 2009 cho tới tháng 02/2018, Anses đã nhận được 74 báo cáo về các tác dụng không mong muốn nhiều khả năng do dùng các thực phẩm chức năng chứa glucosamine và chondroïtine sulfate.

Các cảnh báo này đã được Cơ quan quản lí quốc gia về thuốc và chế phẩm y tế (ANSM – Pháp) và các trung tâm cảnh giác dược khu vực gửi tới các nhân viên y tế, cũng như các nhà sản xuất thực phẩm chức năng chứa hai thành phần nói trên.

Các tác dụng không mong muốn được Anses ghi nhận nhiều nhất là:
– Huyết học: ban xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn INR;
– Tiêu hoá: rối loạn tiêu hoá và đau bụng;
– Gan: chủ yếu là viêm gan;
– Da: đặc biệt là ban da và ngứa.

Trong thông cáo ngày 29/3/2019, Anses nói rằng “các chuyên gia cũng đã nghiên cứu các kết quả ghi lại ở các quốc gia khác (châu Âu, Canada, Hoa Kì) và tiếp tục phân tích sâu hơn trong y văn”.

Các tác dụng không mong muốn thu được chủ yếu là về tiêu hoá, thần kinh và da liễu.

Nhiều quần thể nguy cơ đã được xác định

Trên cơ sở các dữ liệu đã phân tích, các chuyên gia của Anses đã chỉ ra các quần thể đặc biệt có thể xuất hiện nguy cơ khi dùng các thực phẩm chức năng chứa glucosamine hoặc chondroitine sulfate. Đó là:

– Người mắc đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường: nguy cơ giảm nhạy cảm với insulin hoặc tăng đường huyết khi đói sau dùng glucosamine
– Đối tượng hen: nguy cơ bùng phát triệu chứng hen do glucosamine
– Người đang dùng thuốc kháng vitamine K: nguy cơ mất cân bằng tác dụng điều trị của thuốc chống đông coumarine
– Người dị ứng thức ăn loại giáp xác hoặc côn trùng: nguy cơ dị ứng chéo với chitine, thành phần trong vỏ và có trong thành phần của một số thực phẩm chức năng chứa glucosamine
– Người có chế độ ăn hạn chế natri, kali hoặc calci: các thực phẩm chức năng này có thể nguồn chứa lượng lớn các ion này.

Do không đủ dữ liệu về an toàn, Anses cũng không khuyến cáo dùng các thực phẩm chức năng nêu trên ở phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em.

Khuyến cáo cho nhân viên y tế

Từ nghiên cứu này, Anses nhắc lại các khuyến cáo chung dành cho nhân viên y tế:
– Thông tin cho bệnh nhân về nguy cơ khi sử dụng thực phẩm chức năng
– Hỏi bệnh nhân về tình trạng sử dụng thực phẩm chức năng, nhất là các trường hợp xuất hiện bất thường xét nghiệm sinh hoá hoặc biểu hiện lâm sàng có nguyên nhân không rõ ràng
– Khai báo với công cụ cảnh giác thực phẩm về các tác dụng không mong muốn nhiều khả năng liên quan đến thực phẩm chức năng được biết đã sử dụng.

Về các thực phẩm chức năng chứa glucosamine hoặc chondroitine sulfate, Anses đặc biệt khuyến cáo:
– Cần thông báo cho bệnh nhân có chế độ ăn hạn chế calci, kali hoặc natri về hàm lượng muối khoáng có trong các chế phẩm này
– Nghiên cứu tình trạng sử dụng các thực phẩm chức năng chứa glucosamine đơn độc hoặc phối hợp với chondroitine sulfate
+ Trước một kết quả tăng INR không giải thích được trên một bệnh nhân đang điều trị thuốc kháng vitamine K;
+ Khi xuất hiện tình trạng huỷ hoại tế bào gan hoặc suy thận không rõ nguyên nhân.

Nói chung, tất cả các đối tượng: người tiêu dùng, nhà sản xuất và nhân viên y tế phải khai báo một cách hệ thống hơn các tác dụng không mong muốn của thực phẩm chức năng.

Nhà sản xuất phải tăng cường thông tin, nhất là cho các quần thể nguy cơ

Anses đang xem xét việc bắt buộc các nhà sản xuất áp dụng các biện pháp cho người sử dụng: tăng cường thông tin từ nhà sản xuất, nhất là về giới hạn sử dụng các sản phẩm liên quan ở các quần thể nguye cơ.

Anses cũng kêu gọi thống nhất chung trong châu Âu về liều dùng hàng ngày tối đa cho phép của glucosamine và chondroitine sulfate trong các thực phẩm chức năng, trên cơ sở dữ liệu an toàn từ nghiên cứu qui mô lớn về tính vô hại – mà hiện nay vẫn còn thiếu thông tin – của hai chất trên. Thật vậy, Anses chỉ ra rằng “tuỳ từng nước, liều dùng có thể thay đổi từ 500 đến 1000 mg đối với glucosamine và 500 đến 900 mg đối với chondroitine sulfate và được qui định dựa trên số lượng dữ liệu ít ỏi hiện có về an toàn mà không dựa trên sự đánh giá tổng thể các nguy cơ”.

Khuyến cáo cho người tiêu dùng

Anses cũng đưa ra khuyến cáo chung cho người tiêu dùng liên quan đến thực phẩm chức năng nói chung:

– Hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng thực phẩm chức năng;
– Tránh dùng các nguồn khác nhau của cùng một chất (thực phẩm chức năng, thuốc…);
– Tránh dùng cùng lúc nhiều loại thực phẩm chức năng;
– Ưu tiên dùng các thực phẩm chức năng có dạng bào chế đơn chất
– Ưu tiên các nguồn phân phối được kiểm soát bởi các nhà chức trách công lập
– Khai báo với bác sĩ hoặc dược sĩ của mình về việc sử dụng thực phẩm chức năng

Thuốc chứa glucosamine và chondroitine sulfate

Đây cũng là các hoạt chất có trong thành phần của các thuốc chống thoái hoá khớp tác dụng kéo dài, chỉ định trong điều trị triệu chứng thoái hoá khớp gối (glucosamine) và khớp háng (chondroitine).

Khuyến cáo không bao giờ nên dùng tích luỹ các nguồn (thuốc hoặc thực phẩm chức năng) chứa glucosamine hoặc chondroitine sulfat, do chưa có đủ bằng chứng về an toàn.

Tác giả: Isabelle COCHOIS-

Đăng tải ngày 03/04/2019 trên vidal.fr. https://www.vidal.fr/actualites/23171/complements_alimentaires_a_visee_articulaire_la_glucosamine_et_la_chondroitine_sulfate_potentiellement_a_risque/

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *