Từ lâu nay, bổ sung vitamin D và calci được khuyến cáo rộng rãi cho người cao tuổi để phòng ngừa loãng xương. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới công bố trong năm 2018 được tạp chí NEJM danh tiếng đăng tải chưa tìm thấy lợi ích rõ ràng của việc bổ sung vitamin D này.
Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, một phân tích gộp và một hướng dẫn điều trị mới được công bố trong năm 208 đã cùng đồng thuận khuyến cáo về việc sử dụng vitamin D trong phòng ngừa các rối loạn về xương khớp và các rối loạn chức năng cơ thể khác. Những nghiên cứu này đã được tạp chí NEJM uy tín đăng tải.
Thử nghiệm lâm sàng VITAL (thử nghiệm về vitamin D và Omega 3) đã được thực hiện trên 26000 người trung niên và người cao tuổi không có tiền sử mắc bệnh tim mạch (CV), ung thư hay các rối loạn nghiêm trọng khác. Các đối tượng tham gia được lựa chọn ngẫu nhiên để sử dụng vitamin D3 (liều 2000 IU/ngày) hoặc giả dược. Kết quả cho thấy, nồng đồ trung bình của 25-hydroxyvitamin D trong huyết thanh chỉ tăng ở nhóm sử dụng vitamin D3. Trong suốt thời gian theo dõi (trung bình 5 năm), những biến cố tim mạch nghiêm trọng và tình trạng ung thư không xâm lấn xảy ra ở cả 2 nhóm với tỉ lệ ngang nhau. (NEJM JW Gen Med ngày 15/12/2018 và N Engl J Med ngày 10/10/2018; [e-pub]).
Một phân tích gộp trên 33 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên về tác dụng của việc bổ sung calci và vitamin D đối với tỷ lệ gãy xương ở những người lớn tuổi (≥ 50 tuổi). Kết quả cho thấy việc bổ sung calcium và vitamin D không làm giảm tỉ lệ gãy xương hông, xương cột sống hay bất kì vị trí nào khác. Kết quả trên vẫn được lặp lại ở nhóm các đối tượng nghiên cứu có nồng độ 25-hydroxyvitamin D thấp hơn 20 ng/mL hoặc đã từng bị gãy xương (NEJM JW Gen Med Feb 15 and JAMA 2017 Dec 26; 318:2466).
Trước các kết quả thu được, Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kì (USPSTF) đã cập nhật các hướng dẫn trước đây về việc bổ sung vitamin D. Các cơ quan chức năng đã có đủ bằng chứng cho thấy bổ sung vitamin D không ngăn ngừa được nguy cơ gãy xương ở cả đàn ông và phụ nữ tiền mãn kinh và không khuyến cáo sử dụng vitamin D cho mục đích này. Phụ nữ sau thời kì mãn kinh không nên bổ sung vitamin D liều thấp, và cũng chưa có đủ bằng chứng cho việc bổ sung vitamin D liều cao có ngăn ngừa được gãy xương hay không. USPSTF nhấn mạnh khuyến cáo trên chỉ áp dụng cho người cao tuổi chưa có tiền sử bị loãng xương hoặc thiếu hụt vitamin D.
Nghiên cứu VITAL cùng nhiều nghiên cứu về mối quan hệ vitamin D liều thấp và các tình trạng bệnh lý khác chưa tìm thấy lợi ích của việc bổ sung vitamin D. Tuy nhiên, USPSTF nhận định trước thực tế sự khuyến cáo sử dụng vitamin D rộng rãi của các bác sĩ cùng với sự sẵn có của các chế phẩm vitamin D không cần kê đơn trên thị trường thì tỉ lệ sử dụng vitamin D sẽ khó có thể suy giảm.
Nguồn: Ấn bản NEJM Journal Watch (General Meidicne) Year in Review 2018, Editor Allan S. Brett, MD
https://www.jwatch.org/na48078/2018/12/27/nejm-journal-watch-general-medicine-year-review-2018
Người tổng hợp: Nguyễn Thị Thu Hà – Nguyễn Phương Thúy