Theo thống kê của hiệp hội y học thể giới, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong toàn thế giới chính là bệnh lao. Năm 2018 có khoảng 10 triệu bệnh nhân nhiễm lao và khoảng 2% số bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này. Bệnh lao là căn bệnh cần được điều trị kịp thời để tránh bệnh diễn biến nặng. Hãy cùng nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này trong bài viết sau đây.
Bệnh lao là gì?
Bệnh lao là một căn bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan dễ dàng từ người này qua người khác qua không khí. Nguyên nhân chính gây ra bệnh lao chính là do một chủng vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis. Bệnh nhân mắc bệnh lao khi ho hoặc hắt hơi sẽ phát tán vi khuẩn vào trong không khí, những người xung quanh tiếp xúc với lượng không khí đó sẽ làm tăng nguy cơ bị phơi nhiễm với bệnh. Thông thường, vi khuẩn lao sẽ tấn công và gây nhiều tổn thương tới phổi. Tuy nhiên, thông qua tuần hoàn máu hoặc hệ thống mạch bạch huyết trong cơ thể, vi khuẩn lao có thể gây tổn thương tới 1 số các bộ phận khác như thận, não, cột sống.
Bệnh lao được đánh giá là một căn bệnh nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời và đúng phương pháp để hạn chế nguy cơ tử vong của bệnh nhân. Hiện nay bệnh lao được phân chia thành hai nhóm chính bao gồm:
- Nhiễm lao tiềm ẩn: Nhiễm lao tiềm ẩn là tình trạng vi khuẩn lao đã xâm nhập vào cơ thể nhưng không phát triển, do đó cơ thể bạn sẽ không bị nhiễm bệnh. Tình trạng này xảy ra khi bạn vô tình tiếp xúc với nguồn không khí có chứa vi khuẩn lao, nhưng cơ thể có hệ thống miễn dịch tốt, tạo ra các kháng thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn lao. Những đối tượng bị nhiễm lao tiềm ẩn thường không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào và không có nguy cơ gây bệnh cho mọi người xung quanh.
- Bệnh lao: Bệnh lao là tình trạng vi khuẩn lao đã ở trong cơ thể và ở dạng hoạt động, chúng phát triển và nhân lên nhanh chóng tại các tế bào. Bệnh nhân mắc lao dễ dàng gây bệnh cho những người tiếp xúc gần gũi xung quanh. ((PGS.TS Ngô Quý Châu, Trường Đại Học Y Hà Nội, “Bệnh học Nội Khoa”, tập 1, trang 59-70.))
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao
Qua nhiều nghiên cứu các y bác sĩ đã chứng minh được rằng nguyên nhân chính gây ra bệnh lao chính là do chủng vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis. Mycobacterium tuberculosis thuộc nhóm vi khuẩn hiếu khí, dễ dàng lây lan từ người này sang người khác qua các giọt bắn trong không khí. Thông thường, sau khi xâm nhập vào cơ thể, Mycobacterium tuberculosis thường ở trạng thái không hoạt động (khoảng thời gian này gọi là giai đoạn ủ bệnh).
Bệnh nhân ở giai đoạn ủ bệnh không có triệu chứng rõ ràng và không gây lây lan cho mọi người xung quanh. Khi xét nghiệm, đa phần bệnh nhân sẽ âm tính với lao trong giai đoạn này, tuy nhiên 1 số trường hợp kết quả vẫn sẽ lên dương tính. Bệnh nhân phát hiện bệnh sớm ở giai đoạn này sẽ dễ dàng điều trị và khả năng thành công sẽ cao hơn.
Tỷ lệ cứ mười người nhiễm lao tiềm ẩn thì sẽ có một người mắc bệnh lao. Bệnh thường xuất hiện khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu. Do đó, thời gian ủ bệnh ở mỗi bệnh nhân là khác nhau và không có một quy luật thống nhất nào cả. Khi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis đã ở trạng thái hoạt động – trạng thái gây bệnh, chúng sẽ gây ra nhiều tổn thương cho phổi và theo máu đi tới các bộ phận khác tiếp tục gây nguy hiểm cho cơ thể.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao
Một số các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao bao gồm:
– Đối tượng có hệ thống miễn dịch yếu:
- Bệnh nhân mắc HIV/AIDS.
- Bệnh nhân gặp tình trạng suy giảm chức năng thận, suy dinh dưỡng, đái tháo đường, ung thư hóa trị – xạ trị.
- Bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc và hóa chất điều trị ung thư, sử dụng thuốc thuộc nhóm Corticoid, thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh vảy nến.
- Bệnh nhân người cao tuổi.
- Đối tượng từng đi qua các vùng có dịch lao như các nước châu Phi, Châu Á, Mỹ latinh,…
– Không đảm bảo được điều kiện chăm sóc y tế: Những nước nghèo và lạc hậu thường có tỷ lệ mắc bệnh lao cao hơn các nước phát triển.
– Đối tượng thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ma túy khiến hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu.
– Nhân viên làm việc trong các cơ sở y tế, đặc biệt là nhân viên y tế trong bệnh viên lao phổi. Làm việc trong môi trường này làm tăng khả năng tiếp xúc với vi khuẩn lao. Để bảo vệ bản thân, nhân viên nên đeo khẩu trang khi làm việc và thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
– Đối tượng sinh sống trong khu tập thể đông người.
– Đối tượng chăm sóc cho các bệnh nhân bị nhiễm lao.
Các dấu hiệu nhận biết bệnh lao
Tùy thuộc vào hệ thống miễn dịch của mỗi bệnh nhân mà thời gian ủ bệnh lao có thể dài hoặc ngắn. Trong giai đoạn đầu- giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân thường không có các biểu hiện hay triệu chứng khác lạ, do đó khó có thể phát hiện bệnh nhân đang nhiễm lao. Khi chuyển sang giai đoạn vi khuẩn hoạt động, các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn theo các mức độ từ nhẹ cho đến nghiêm trọng.
Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Bệnh nhân xuất hiện ho khan, ho kéo dài có thể có kèm sốt nhẹ trên 3 tuần. Khi xuất hiện các triệu chứng này, bệnh nhân nên tiến hành chụp X quang và xét nghiệm đờm để xác định trong cơ thể có đang chứa vi khuẩn lao hay không.
- Bệnh nhân cũng có thể ho khan có đờm, đờm màu trắng đục, đặc quánh.
- Một số ít các trường hợp ho ra máu.
- Bệnh nhân bị lao thường bị khó thở, khó chịu ở vùng ngực. ((Tuberculosis, WHO, Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2021))
Bệnh lao có nguy hiểm không? Các biến chứng của bệnh lao
Lao đã được xác định là một căn bệnh truyền nhiễm dễ lây lan và nguy hiểm, gây nhiều tổn hại đến sức khỏe bệnh nhân, và có thể gây tử vong cao. Bệnh nhân cần tham gia điều trị sớm khi phát hiện những dấu hiệu đầu tiên, tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để nhanh chóng khắc phục tình trạng bệnh. Bệnh lao nếu không được khắc phục kịp thời có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như:
– Tràn dịch (tràn khí) màng phổi:
- Tràn dịch màng phổi là hiện tượng xuất hiện nước dịch có màu vàng chanh, hoặc màu hồng/ đỏ trong phổi, trong nước dịch có chứa thành phần protein và lympho bào.
- Tràn khí màng phổi là hiện tượng xảy ra khi vỡ một hang lao thông với hang màng phổi, gây đau đớn và khó thở cho bệnh nhân.
- Tràn dịch màng phổi và tràn khí màng phổi khiến thu nhỏ thể tích của phổi, giảm lượng oxy cung cấp cho sự hô hấp của cơ thể, khiến bệnh nhân khó thở, nghiêm trọng có thể gây ngạt thở và dẫn đến tử vong. Do đó, tình trạng tràn dịch/ tràn khí màng phổi là vô cùng nguy hiểm và cần được xử lý ngay khi xảy ra.
– Nấm Aspergillus phổi: Tình trạng nấm này thường xuất hiện sau khi đã điều trị lao phổi. Sau khi điều trị lao, trên phổi vẫn để lại các hang và các hang này dễ bị nhiễm nấm. Nhiễm nấm có thể khiến bệnh nhân ho ra máu, nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
– Một biến chứng khác của lao chính là lao thanh quản. Triệu chứng điển hình của lao thanh quản là khan tiếng, khó nuốt nước bọt, nuốt đau, đau tai, loét dây thanh âm hoặc tại các vị trí trên đường hô hấp.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị lao phổi
Phương pháp chẩn đoán bệnh lao
Khi nghi ngờ bản thân đang nhiễm lao, bệnh nhân cần tới cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chẩn đoán kịp thời. Bác sĩ sẽ thông qua tiền sử bệnh lý của bệnh nhân, tiến hành thăm khám lâm sàng, cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm, chụp X quang để xác định chính xác tình hình của bệnh nhân.
Một số các xét nghiệm thường được thực hiện bao gồm:
- Xét nghiệm lao qua da.
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh
- Xét nghiệm đàm.
Phương pháp điều trị nhiễm lao tiềm ẩn
Đối với những bệnh nhân đang trong giai đoạn nhiễm lao tiềm ẩn thường được áp dụng những phương pháp điều trị để ngăn ngừa bùng phát bệnh lao. Việc điều trị này khá đơn giản do lượng vi khuẩn tồn tại trong cơ thể thấp và ở thể không hoạt động. Hiện nay Bộ y tế đã phê duyệt 4 phác đồ điều trị khác nhau cho nhiễm lao tiềm ẩn. Các loại thuốc được sử dụng trong phác đồ điều trị bao gồm Isoniazid (INH), Rifapentine (RPT) và Rifampin (RIF).
Tuy được đánh giá là đơn giản tuy nhiên vẫn cần thận trọng cho những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém hoặc bệnh nhân đang mắc bệnh lý suy giảm hệ thống miễn dịch. Thực tế, những bệnh nhân bị suy giảm hệ thống miễn dịch thường có tỷ lệ mắc bệnh lao rất cao, nếu không can thiệp điều trị trong giai đoạn đầu thì quá trình điều trị sau này sẽ rất phức tạp và tỷ lệ thành công thấp.
Phương pháp điều trị bệnh lao
Các chuyên gia y tế nhận định rằng bệnh lao có thể được điều trị hoàn toàn trong thời gian từ 6 cho đến 9 tháng bằng thuốc. Một số loại thuốc đầu tay trong điều trị lao bao gồm Isoniazid (INH), Ethabutol (EMB), Pyrazinamide (PZA) và Rifampin (RIF).
Phác đồ điều trị cụ thể: Giai đoạn đầu 2 tháng + Giai đoạn duy trì (từ 4 cho đến 7 tháng):
- Giai đoạn đầu tiên kết hợp cả 4 loại thuốc trong vòng 2 tháng (Isoniazid (INH), Ethabutol (EMB), Pyrazinamide (PZA) và Rifampin (RIF)). Sau khi xác định được vi khuẩn lao phân lập đủ nhạy cảm với thuốc, dừng sử dụng Ethambutol và tiếp tục sử dụng 3 loại thuốc còn lại (INH, PZA, RIF).
- Giai đoạn duy trì sử dụng kết hợp thuốc INH và RIF liên tục trong vòng 4 tháng. ((Reviewed by Minesh Khatri, MD on June 27, 2020, Tuberculosis (TB), WebMD, Truy cập ngày 29 tháng 10 năm 2021))
Bệnh nhân trong quá trình điều trị lao cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, sử dụng hết thuốc và đúng liều lượng. Nếu bệnh nhân dừng thuốc giữa chừng có thể làm quá trình điều trị thất bại hoặc làm tăng tỷ lệ tái phát bệnh sau này. Nếu bệnh nhân tùy ý tăng hoặc giảm liều thuốc có thể làm tăng tính đề kháng của vi khuẩn với thuốc, như vậy thuốc sẽ mất tác dụng điều trị, khiến liệu trình trở nên khó khăn và phức tạp hơn, tốn kém chi phí và mất nhiều thời gian hơn. Lưu ý trong quá trình điều trị lao, bệnh nhân nên định kỳ kiểm tra nồng độ acid uric huyết (đối với bệnh nhân sử dụng thuốc Pyrazinamide) và kiểm tra thị lực (đối với bệnh nhân sử dụng thuốc Ethambutol).
Cách phòng tránh bệnh lao tốt nhất hiện nay chính là luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho cơ thể và môi trường sống xung quanh, hạn chế lui tới những nơi có tiềm ẩn vi khuẩn lao; tăng cường luyện tập và áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học để tăng cường hệ thống miễn dịch và sức đề kháng.
Mong rằng qua bài viết, độc giả có thể hiểu rõ hơn về bệnh lao và cách điều trị bệnh lao, từ đó có được những biện pháp phù hợp để bảo vệ bản thân và những người thân xung quanh khỏi căn bệnh này.