Bác Sĩ – Quan Thế Dân chia sẻ: Câu chuyện táo bón của người già

táo bón ởngười già

Nhà thuốc Lưu Văn Hoàng – Chủ đề: Câu chuyện về táo bón ở người già
Nguồn: Bác Sĩ Quan Thế Dân

1. Câu chuyện về ông ngoại tôi

Ký ức tôi lang thang về những ngày tôi bé tí, sống với ông bà ngoại trong ngôi nhà rộng thênh thang, số 5 phố Hàng Phèn, Hà Nội. Trong trí nhớ tôi, ông ngoại cao lớn, vô cùng hiền lành. Ông là công chức cũ thời Pháp nên có lối sống rất lịch thiệp. Tôi quý ông lắm, tôi hay nằm ôm ông trên cái phản lớn ở dưới nhà, nghe ông kể đủ mọi chuyện. Ông hiền lành đến mức gần như nhu nhược, rất hay bị bà mắng, ông bị ăn mắng vì đủ mọi chuyện. Tôi cũng rất yêu bà ngoại, nhưng tôi vẫn hay mủi lòng thương ông khi ông bị bà mắng. Một trong những chuyện ông hay bị bà mắng là ông đi đại tiên rất lâu. Bà mắng ông là không chịu ăn rau, không chịu uống nước để cho táo bón. Mà đâu có phải thế. Tôi chứng kiến ông ăn rất nhiều rau. Dạo ấy là giữa những năm 1960 – 1970, đói khổ lắm, bữa cơm chỉ có toàn rau, làm gì còn có gì khác đâu để ăn. Tôi nhớ ông táo bón ngày một nặng, người gầy rộc đi, bụng chướng lên, không ăn gì được. Bố mẹ tôi biết chuyện sang thăm ông. Bố tôi cho ông uống một thìa dầu lạc, còn mẹ mua mấy lạng thịt mỡ kho cho ông bà ăn. Thật thần kỳ, ông đi đại tiện được ngay. Tôi nhớ mẹ khóc thương ông, mẹ nói là ông bà khổ quá, ăn toàn rau nên ruột khô lại thành ra táo bón, nay ăn có tý mỡ vào trơn ruột là hết táo bón ngay.
Câu chuyện ăn mỡ hết táo bón cứ thế ám ảnh tôi từ lúc còn bé đến tận bây giờ.

2. Các nguyên nhân gây táo bón người già:

– Do chế độ sinh hoạt và ăn uống không hợp lý là nguyên nhân phổ biến nhất, bao gồm:

+ Uống không đủ nước

+ Ăn ít chất xơ, ăn nhiều chất đường, tinh bột, ít chất béo

+ Uống nhiều cà phê, trà hoặc rượu

+ Bỏ qua cảm giác muốn đi tiểu, nhịn đi tiêu (có nghĩa là khi có cảm giác mắc đi tiêu nhưng người bệnh bỏ qua, có thể là do họ ngại sử dụng nhà vệ sinh công cộng hay do bận rộn)…Nếu điều này xảy ra kéo dài, sau một thời gian, người bệnh có thể mất cảm giác muốn đi tiêu và gây ra táo bón;

+ Ít vận động cũng có thể gây ra táo bón.

– Nguyên nhân cấu trúc bao gồm: nứt hậu môn, trĩ huyết khối, khối u gây tắc nghẽn ống tiêu hóa, to trực tràng vô căn.

– Các nguyên nhân toàn thân gồm: tăng calci máu, cường cận giáp, hạ kali máu, suy giáp, mang thai.

– Rối loạn thần kinh: đột quỵ, bệnh Hirschsprung, bệnh Parkinson, tổn thương tủy sống, chấn thương đầu.

– Các bệnh mô liên kết: xơ cứng bì, lupus.

– Một số loại thuốc có thể gây táo bón phổ biến bao gồm: Thuốc chống trầm cảm, kim loại, thuốc kháng cholinergic, thuốc kháng axit (ví dụ hợp chất nhôm và canxi), thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh canxi (ví dụ verapamil), thuốc chống viêm không steroid (ví dụ ibuprofen và diclofenac), thuốc có chứa chất gây nghiện (ví dụ codein và morphin), nhiều loại thuốc hướng tâm thần, thuốc chống co giật…

– Các vấn đề tâm lý (ví dụ trầm cảm, lo lắng) cũng có thể góp phần vào sự phát triển của táo bón.

3. Cơ chế gây táo bón người già:

– Táo bón người già ngoài có những nét đặc thù, khác với các lứa tuổi khác. Qua kinh nghiệm lâm sàng tôi thấy có 3 nét đặc thù ở người già gây táo bón là: Tình trạng giảm nhu động đại tràng, uống ít và ăn ít.

– Đầu tiên là tình trạng giảm nhu động đại tràng. Do nhiều nguyên nhân. Nhiều người nhận xét rằng tại người già ít vận động nên ruột giảm nhu động. Điều đó cũng đúng nhưng chưa đầy đủ. Theo tôi còn một tình trạng nữa mà thầy thuốc hay bỏ quên, đó là tình trạng giãn trực tràng. Thật vậy, ở người cao tuổi cái gì cũng teo đi, chỉ trừ những bộ phận chứa đựng, cả đời chứa đựng, đến già là giãn ra, ví dụ như bàng quang chứa nước tiểu, ruột già chứa phân. Do trực tràng lúc già đã dãn to ra, nên lượng phân phải tích tụ nhiều hơn, lâu hơn mới gây ra cảm giác mót rặn để đi đại tiện. Phân nằm lâu trong đại tràng lại bị hút kiệt nước, khô hơn, càng gây ra tình trạng táo bón nặng hơn.

– Uống ít nước: người già mất cảm giác khát, có khi cả ngày không uống nước. Nếu ai có thói quen uống trà mạn, lại càng tệ hơn, cả ngày chỉ nhâm nhi vài chén trà nhỏ xíu, cứ nghĩ là mình đã uống đủ nước rồi. Thiếu nước gây nên phân khô, khối lượng phân ít, dẫn đến táo bón.

– Ăn ít: ở đây tôi muốn nói là ăn ít nói chung, chứ không thì nhiều người chỉ nhăm nhăm chỉ trích người già ăn ít rau. Thật thế các bạn ạ, khi người già táo bón mà ta chữa cứ theo công thức chung là ta không có cái tâm trong đó. Người già thì đương nhiên là ít vận động rồi, đấy là do gánh nặng tuổi tác chứ không phải các cụ muốn vậy, tiếp đến là ăn nhiều chất xơ, răng còn cái nào đâu mà bắt các cụ phải ăn nhiều rau vào? Mặt khác, ăn cũng là lạc thú cuối cùng của các cụ trên đời này, biết còn sống được mấy năm nữa, không mời các cụ thưởng thức món ngon vật lạ thì thôi, lại bắt các cụ ăn rau? Người già thường ăn ít, do vậy khối lượng phân sẽ ít. Khối lượng phân ít sẽ không kích thích được trực tràng co bóp, nên không gây được cảm giác mót đại tiện.

4. Điều trị táo bón người già:

– Đầu tiên với người già táo bón thì khuyến khích các cụ uống thêm nước. Sau đó tìm cách tăng lượng nước hấp thu hàng ngày như uống thêm canh, ăn cháo ăn súp , uống nước sinh tố trái cây… Các biện pháp này tăng lượng nước dễ hơn là bắt các cụ phải uống nước trắng. Nếu vẫn không được thì cho các cụ uống thêm mỗi ngày 1 – 2 gói Duphalac, có chứa đường lactose, chất này giữ nước trong ruột, làm mềm phân và tăng khối lượng phân, dễ đi đại tiện. Đây là loại thuốc nhuận tràng mà tôi rất thích dùng, bố mẹ tôi khi còn sống rất thường xuyên thuốc này, rất lành và êm ả.

– Sau đó nên xem lại chế độ ăn. Người già ở một mình ăn ít quá thì lượng phân cũng ít. Đồng thời thức ăn có nhiều tinh bột cũng gây ra táo bón. Người nghèo, chỉ ăn cơm thường táo bón nặng, do đặc tính của gluxit là làm giảm nhu động ruột, gây ra táo bón. Nên kinh nghiệm dân gian khi ỉa chảy chỉ cho ăn cháo muối sẽ cầm ỉa chảy ngay là rất khoa học đấy. Ngược lại lipid, tức là chất béo lại gây ra ỉa chảy. Vì lipid kích thích gan và túi mật tăng tiết mật vào ruột, rồi muối mật sẽ kích thích ruột co bóp, gây nên ỉa chảy. Vì vậy trong bữa cơm người già nên ăn thêm ít mỡ, vừa dễ ăn, vừa nhuận tràng. Đến tận bây giờ tôi mới hiểu tại sao ngày xưa mẹ cho ông ăn mỡ lại chữa được táo bón!

– Kết hợp các món ăn gây tăng khối lượng phân. Khoai lang là một thực phẩm rất tốt vì cung cấp rất nhiều vitamin C và các tinh bột của khoai lang không được tiêu hóa hết sẽ làm tăng khối lượng phân. Các bạn không tin cứ ăn thử vài củ khoai sẽ cảm thấy rõ ngay. Rau củ nấu nhừ cung cấp chất xơ làm tăng khối lượng phân. Uống bột sắn sống, các hạt tinh bột trong bột sắn này do chưa nấu chín nên khó hấp thu, sẽ ở lại trong đại tràng làm tăng khối lượng phân. Vì thế dân gian hay nói uống bột sắn mát. Ăn các trái cây chín mềm như chuối chín, thanh long sẽ tăng khối lượng phân. Nếu có điều kiện thì uống thêm các gói chất xơ hòa tan hoặc các thuốc nhuận tràng có chất trương nở giúp tăng khối lượng phân.

– Kích thích co bóp đại tràng: Uống đủ nước, ăn nhiều tăng khối lượng phân sẽ tạo thuận lợi cho đại tiện. Tiếp đến ta phải kích thích đại tràng co bóp. Nên duy trì thói quen đại tiện vào sáng sớm, lúc cơ năng đại tràng tốt nhất. Có thể uống một cốc nước lạnh để gây phản xạ co bóp đại tràng. Sinh tố trái cây có vị chua cũng kích thích co bóp đại tràng. Tập thể dục nhẹ nhàng, xoa bóp vùng bụng góp phần cải thiện nhu động đường ruột. Ở những người đại tràng giãn to quá, không có phản xạ co bóp thì phải uống một đợt thuốc nhuận tràng loại tăng co bóp đại tràng như bisacodyl hoặc các thuốc thảo mộc phan tả diệp, đại hoàng.

– Ở người già đại tràng giãn to gây táo bón kinh niên, hoặc người nằm lâu do bệnh lý tai biến mạch não, gãy cổ xương đùi, suy kiệt… thì ta nên phối hợp kỹ thuật thụt tháo để lấy phân ra. Thụt tháo cho người già có thể bằng các tuýp thụt có bán sẵn hoặc trực tiếp thụt bằng nước vào đại tràng. Kỹ thuật thụt tháo tôi đã mô tả kỹ trong bài “Thụt tháo đại tràng” trên fb này cách đây ít lâu.

– Nhìn vào các nguyên nhân và cơ chế gây nên táo bón thì chúng ta thấy phần lớn là do lối sống và ăn uống. Nếu sau một thời gian khoảng 1 tháng đã áp dụng các biện pháp trên mà không thấy hiệu quả thì hãy đưa đến bệnh viện để được khám và chẩn đoán các bệnh khác gây ra táo bón.

Trên đây là một vài ý kiến về táo bón ở người già, hy vọng có thể giúp ích chút nào cho các bạn trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Như vậy tôi đã đăng liền một cụm 3 bài về chủ đề táo bón gồm bài “Táo bón người già”, bài Táo bón trẻ em” và bài “Có nên thụt tháo đại tràng thường xuyên”. Các bạn nếu quan tâm tới vấn đề này nên đọc cả 3 bài để các kiến thức bổ sung cho nhau hoàn chỉnh.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *