– Trong thời đại mà từ trẻ nhỏ vài tuổi cho đến các cụ già đều có thể sử dụng thuần thục các thiết bị điện tử thông minh, chúng ta phải đối mặt với một thực tế: hoặc là chúng ta “mù” thông tin, hoặc là mắc phải các tật khúc xạ (cận, loạn thị) và các bệnh lý khiến chất lượng thị lực giảm (đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm….) sớm hơn so với quá trình phát triển và thoái hóa tự nhiên của cơ thể. Vấn đề đau đầu được đặt ra đối với các chuyên gia nhãn khoa là phải làm sao để cân bằng được nhu cầu thiết thực của cuộc sống (phải sử dụng máy tính, xem tivi, hay các thiết bị điện tử khác để học tập, làm việc, giải trí) mà không làm gia tăng tỉ lệ mắc các tật khúc xạ hay tỉ lệ mắc sớm các bệnh lý làm giảm chất lượng thị lực. Do vậy, đối tượng đầu tiên phải hướng đến chính là trẻ nhỏ – là con em chúng ta.
– Các biện pháp từ cơ học đến thuốc đã được các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo. Biện pháp bảo vệ đầu tiên là giảm tần suất sử dụng các thiết bị điện tử, tăng thời gian hoạt động trong các không gian rộng. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa việc mắc phải các tật khúc xạ sớm. Nhưng thực tế thì sao? Con bạn không chịu ăn, hoặc khóc liên tục, dỗ dành kiểu gì cũng không ăn thua, nhưng bạn chỉ cần đưa cái điện thoại ra, cho bé xem vài clip hoạt hình vui nhộn thì bé dừng khóc ngay và rất ngoan ngoãn ngồi xem, thậm chí là cả ngày luôn. Do vậy, việc ngăn cấm không sử dụng thiết bị điện tử hoặc cho trẻ nhỏ sử dụng ít trong thời đại hiện nay rất khó thực hiện.
– Không cấm sử dụng được thiết bị điện tử thì nguy cơ mắc phải tật khúc xạ sẽ tăng do thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử. Tác hại của ánh sáng xanh đối với mắt thì có lẽ chúng ta không phải bàn cãi nữa, điều cần quan tâm là phải giảm cường độ ánh sáng xanh tác động lên mắt. Do vậy, biện pháp kế tiếp là sử dụng các loại kính có chức năng lọc ánh sáng xanh. Trên thị trường có rất nhiều loại kính của các hãng khác nhau có chức năng này, tùy thuộc vào giá thành mà mức độ lọc ánh sáng xanh của loại kính đó được gia tăng từ ~20% đến >90%. Khi mua thì các bạn lưu ý nên yêu cầu cửa hàng kính đó thực hiện việc chiếu đèn ánh sáng xanh qua mắt kính để trên tờ giấy trắng để kiểm tra xem mức độ lọc. Nếu phần ở dưới mặt kính không thấy ánh sáng xuyên qua hoặc mức độ sáng giảm đi thì bạn có thể yên tâm mua.
– Tuy nhiên, nếu con bạn khi đi kiểm tra thị lực mà không bị mắc tật khúc xạ, ad tin ít ai trong chúng ta muốn con mình phải đeo kè kè cái kính trên mặt dù biết kính đó có tác dụng bảo vệ. Kết quả là, việc phòng ngừa tật khúc xạ ở trẻ nhỏ gần như không khả thi và chúng ta bắt đầu phải nghĩ đến việc làm thế nào để làm chậm tốc độ tiến triển độ cận thị của trẻ nhỏ. Các biện pháp cơ học đầu tiên cần làm vẫn là nên đeo kính có chức năng lọc ánh sáng xanh khi học tập hay xem các thiết bị điện tử, tăng thời gian hoạt động ở không gian rộng. Việc đeo kính thì gần như các chuyên gia đều khuyến khích trẻ nên đeo thường xuyên và dễ thực hiện nhưng việc tăng thời gian hoạt động ở không gian rộng có lẽ hơi “khó khăn” với nhiều gia đình do áp lực học hành, mong muốn con mình “cái gì cũng biết” và sợ con mình “mải chơi không học”. Với tần suất học hành như hiện nay ở nước ta, dù có đeo kính chất lượng tốt đến mấy thì mắt trẻ cũng không thể tránh được tình trạng mỏi mắt, dẫn đến việc tăng độ cận sẽ diễn ra nhanh hơn ngoài việc tăng tự nhiên do phát triển cơ thể của trẻ (chiều dài trục nhãn cầu tăng).
– Câu hỏi nhiều nhất dành cho các bác sỹ nhãn khoa khi các gia đình đưa con đi khám là “Có thuốc nào điều trị HẾT độ cận, loạn của con em không?”.
Ad xin trả lời sơ bộ thay các bác sỹ: độ loạn thị là bẩm sinh, thường do cấu trúc giác mạc của trẻ và ít thay đổi hơn nhiều so với độ cận thị. Phương pháp duy nhất để triệt tiêu hết tật khúc xạ là Phẫu thuật khi đủ điều kiện cần thiết về độ tuổi, độ ổn định của khúc xạ, cấu trúc giác mạc. Còn khi con bạn chưa đủ các điều kiện đó thì y học ở thời điểm hiện tại KHÔNG có thuốc nào triệt tiêu độ cận, loạn thị.
– Buồn phải không các bạn?
Vậy gia đình lại hỏi tiếp: “Có thuốc nào LÀM CHẬM tốc độ tăng độ cận của con em không?”.
+ Ad xin trả lời: CÓ ạ. Báo cáo kết quả thử nghiệm lâm sàng được công bố từ năm 2016 của các bác sỹ nhãn khoa châu Á về thuốc Atropin nồng độ 0.01% nhỏ mắt đã mở đầu cho hàng loạt các nghiên cứu sau này để theo dõi tốc độ tăng độ cận thị của trẻ nhỏ từ 06 tuổi khi sử dụng nhỏ mắt thuốc Atropin 0.01% cho trẻ. Rất tiếc, ad không tiếp cận được các bài nghiên cứu gốc để nói kết quả từ nghiên cứu nào nhưng một trong các nghiên cứu đó đã công bố tỉ lệ trẻ có tốc độ tiến triển độ cận thị chậm lại là gần 50% sau 05 năm theo dõi khi nhỏ mắt liên tục Atropin 0.01% hàng ngày với chế độ liều một lần/ngày vào buổi tối trước khi ngủ. Một kết quả quá ấn tượng đối với tất cả các chuyên gia nhãn khoa trên thế giới.
– Trong Hội nghị nhãn khoa châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 34 (APAO) tổ chức tại Băng cốc, Thái Lan vào tháng 3 năm 2019, ad được mời tham dự và để ý thấy một gian hàng trưng bày có loại thuốc này với tên thương mại là Myatro của công ty dược phẩm Entod International – Ấn Độ nhưng được sản xuất tại Anh, giá bán lẻ họ đề xuất tại Singapore là 5 Đô la mỹ (khoảng ~120.000vnđ/lọ).
– Tại Việt Nam, chưa có công ty nào cung ứng loại thuốc này trên thị trường. Một số thương nhân mới chỉ mua xách tay từ Singapore để bán online. Ad xin nhắc các bạn là thuốc phải có số đăng ký tại Việt Nam thì mới đảm bảo chất lượng thuốc khi đến tay bạn. Đặc biệt thuốc nhỏ mắt có những điều kiện bảo quản riêng để tránh bị hỏng thuốc trong quá trình vận chuyển và bảo quản.
– Nếu không có sẵn hàng thương mại thì chúng ta tự pha chế được không?
+ Một số viện có phòng pha chế riêng nhưng chỉ pha chế được nồng độ 1% và 0.5%. Về lý thuyết, chúng ta có thể pha loãng thêm để có được nồng độ 0.01%. Cụ thể là, lấy lọ Atropin 0.5% 2ml pha với 98ml nước cất pha tiêm là ra được nồng độ 0.01%. Nghe có vẻ đơn giản nhưng các bạn nên biết nồng độ thuốc càng thấp thì độ phân tán thuốc càng khó đạt yêu cầu. Một vài nơi khi pha chế xong, họ đem mẫu đi định lượng nhưng xác suất phát hiện được nồng độ Atropin 0.01% trong các mẫu là rất thấp. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn chỉ chủ yếu đang nhỏ nước cất vào mắt, còn số giọt có thuốc đúng như nồng độ 0.01 thì không xác định được. Việc điều trị sẽ thất bại và còn có thể gây ra các tác dụng không mong muốn khác của thuốc khi dùng kéo dài.
Tóm lại, chúng ta nên chờ vì ad chắc chắn loại thuốc này sẽ được nhập về Việt Nam theo quy định trong thời gian sớm do nhu cầu điều trị quá lớn. Nếu có thông tin thêm về sản phẩm nào có Atropin 0.01%, ad sẽ gửi đến mọi người ngay. Khi đó, ad cũng sẽ có những bài viết hướng dẫn sử dụng và đánh giá kết quả việc theo dõi sử dụng trên trẻ nhỏ tại cơ sở ad đang làm việc.
Ad xin gửi đến mọi người thông tin tờ rơi sản phẩm Myatro trên web để các bạn tham khảo. (https://entodpharma.com/). 05 nghiên cứu gốc được ghi rõ ở phần dưới cùng của tờ rơi sản phẩm, ai có điều kiện tiếp cận thì xin chia sẻ rõ hơn với ad ạ.
Nhà thuốc chuyên khoa mắt HD Hà Nội hiện tại KHÔNG bán sản phẩm này ạ.
Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài, mong bài viết nhận được nhiều chia sẻ từ mọi người ạ.
Tác giả: Thạc sĩ Dược sĩ Trần Hải Đông
Cho em hỏi thuốc nhỏ này thì bắt đầu từ mấy tuổi thì dùng được ahh?
em inbox vào fanpage để được tư vấn tận tình e nhé
xem tờ hướng dẫn sử dụng ở đâu hả add?cảm ơn add đã chia sẻ!