Mấy hôm nay, vì bài phân tích của tôi về một bài báo khoa học mô tả cái chết của một cô gái trẻ Ấn Độ sử dụng sản phẩm của Herbalife mà bị các bạn bán hàng đa cấp tấn công cá nhân dữ quá trời, nào là tiến sĩ giấy, tiến sĩ dỏm, cướp công các nhà khoa học khác, đu trend, hám danh,… hoặc đây là bài báo lá cải, không có độ tin cậy cao, các nhà khoa học Ấn Độ không đáng tin tưởng, báo thuộc dạng case report (phân tích ca bệnh) không đáng quan tâm v.v…
Để phản biện cho những ý kiến trên, tôi xin đưa ra 7 điểm sau:
1/ Tiến Sĩ giả, Tiến Sĩ giấy:
chuyện này phổ biến nhiều ở nước ta nhưng không phổ biến ở nước ngoài đâu nhe các bạn. Năm 2006, tôi rời Việt Nam sang Hàn Quốc bằng học bổng của Giáo Sư, tôi đã mất 2 năm để học xong bậc Thạc Sĩ và 4 năm để xong bậc Tiến Sĩ. Việc tốt nghiệp Tiến Sĩ của tôi không phải là cầm một tấm bằng là xong mà còn phải để lại cho đời lợi ích khoa học, phải khám phá ra cái mới, phải đóng góp cho nền khoa học thế giới, điều này được chứng minh bằng những công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí quốc tế. Hơn nữa, City of Hope không phải là một viện nghiên cứu quèn mà nó là một cơ sở nghiên cứu lâu đời và nổi tiếng không chỉ ở Mỹ mà trên thế giới. Do vậy, City of Hope không mướn một thằng TS với bằng cấp giả và vô công rồi nghề đâu. Ngoài ra, chính phủ Mỹ không cấp thẻ xanh dạng “tự bảo lãnh (self sponsor) dạng làm việc – Miễn trừ vì lợi ích quốc gia (EB2-NIW, Employment Based – National Interest Waiver)” cho những TS giấy hoặc có công trình khoa học bèo nhèo đâu! Tôi nhận được thẻ xanh loại này sau 2 năm làm việc ở Mỹ…
2/ Các bạn hăm hở khi chụp mũ tôi là cướp công các nhà khoa học khác làm các bạn bức xúc dùm cho các nhà khoa học ấy lắm!
Để tôi nói cho các bạn nghe về chuyện đánh giá đóng góp trong nghiên cứu khoa học là như thế nào.
Hiện nay trong nghiên cứu, nhất là trong khoa học tự nhiên, hầu hết các công trình nghiên cứu khi công bố trên tạp chí chuyên ngành đều có nhiều nhà khoa học cùng đứng tên trong phần tác giả vì các công trình nghiên cứu thường là phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp, đóng góp công sức của nhiều người. Tuy nhiên, để phân biệt được ai là người đóng góp chính, ai là người đóng góp phụ thì họ sắp xếp theo thứ tự từ trái sang phải, từ trên xuống dưới… thường thì người đứng đầu tiên là người đóng góp chính, đóng góp nhiều nhất và người đứng cuối cùng là giáo sư hướng dẫn có vai trò tài trợ kinh phí nghiên cứu, góp ý thí nghiệm.
Lấy ví dụ bài báo khoa học của tôi đăng trên tạp chí chuyên ngành Cancer Research năm 2010 về nghiên cứu vi khuẩn Salmonella trong điều trị ung thư, dựa trên cách ghi tên tác giả thì tôi là người đóng góp chính trong nghiên cứu này, khi những nghiên cứu khác nhắc đến nghiên cứu này của tôi thì họ thường sẽ ghi là từ nhóm nghiên cứu của “Nguyen et al.” (et al. đại diện cho những tác giả còn lại trong bài).
Do đó việc báo Thanh Niên có nhắc tới tôi trong công trình khoa học tôi làm người nghiên cứu chính là không sai và không có chuyện tôi muốn cướp công những nhà khoa học khác ở đây. Nếu tôi cướp công của họ trong khoa học thì thật sự tôi đã gặp rắc rối lớn rồi đấy, tôi sẽ bị tẩy chay ra khỏi cộng đồng khoa học chứ không ngồi được ở trong City of Hope mà làm nghiên cứu đâu.
Để mở rộng hơn về vấn đề này, tôi đưa một ví dụ khác cho thấy việc đánh giá đóng góp trong các công trình khoa học được cân nhắc cẩn thận cỡ nào. Trong ví dụ dưới, phần tác giả có 3 nhà khoa học đầu tiên có dấu (*) để ghi nhận 3 người này được xem như có đóng góp quan trọng ngang nhau trong nghiên cứu này.
Các bạn muốn xem toàn bộ lý lịch khoa học của tôi để biết tôi có phải là TS giấy không thì có thể tham khảo trên Research Gate (link bên dưới)
https://www.researchgate.net/profile/Vu_Nguyen10
3/ Tạp chí khoa học có phải là tạp chí lá cải?!
Tôi xin trả lời là KHÔNG nha các bạn.
Để đăng một công trình nghiên cứu khoa học trên một tạp chí chuyên ngành quốc tế, các nội dung của bài viết phải qua hàng loạt các phản biện, phê bình, xem xét của hội đồng các nhà khoa học có kinh nghiệm trong cùng chuyên ngành. Việc này có thể kéo dài vài tháng đến hơn cả năm hoặc thậm chí bị từ chối đăng khi các số liệu, lập luận trong bài chưa đủ thuyết phục, không chính xác hoặc có dấu hiệu gian dối. Do vậy, các thông tin trên các tạp chí quốc tế này thường là nguồn thông tin đáng tin cậy, được dùng để tham khảo của các nhà khoa học trên toàn thế giới, để từ đó phát triển tiếp khoa học cho nhân loại.
Trở lại câu chuyện Herbalife, bài báo vừa ra của các nhà khoa học Ấn Độ trên một tạp chí khoa học chuyên ngành về gan (Journal of Clinical and Experimental Hepatology), đây là một tạp chí quốc tế đạt tiêu chuẩn và có thể tra cứu được trên thư viện PUBMED nổi tiếng, nơi lưu những công trình nghiên cứu khoa học QUỐC TẾ do trung tâm quốc gia về thông tin công nghệ sinh học (National Center for Biotechnology Information – NCBI), thuộc thư viện Quốc Gia Mỹ về Y Học (U.S. National Library of Medicine – NLM), nằm trong hệ thống Viện Quốc Gia về Sức Khỏe (National Institutes of Health – NIH). Do vậy các bạn dựa trên hai chữ Ấn Độ để các bạn đánh giá nghiên cứu của người ta không đáng tin cậy thì thật là hồ đồ! Hơn nữa, nếu những thông tin từ các bài báo khoa học có sức ảnh hưởng mạnh trên quốc tế như vậy (ghi hẳng tên công ty Herbalife ngay trên tựa bài) mà sai thì một công ty lớn như Herbalife sẽ không để yên đâu! Không chỉ 1 bài báo từ Ấn Độ nhé mà trước đó đã có ít nhất 7 nghiên cứu khác trên thế giới (Israel, Thụy Sĩ, Argentina, Mỹ, Iceland, Tây Ban Nha) từ năm 2000 đến 2015 ghi nhận 53 trường hợp bị suy gan liên quan đến việc sử dụng sản phẩm của Herbalife. Tất cả các bài báo trên đó thể tìm thấy trên thư viện Pubmed.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/31024209
4/ Thông tin nghiên cứu dạng “phân tích ca bệnh” (case report) có ý nghĩa trong khoa học không?
Câu trả lời là CÓ, những bài báo nghiên cứu như thế này vẫn có giá trị và làm tài liệu tham khảo cho những nghiên cứu khoa học khác.
Trở lại các bài báo về Herbalife, bài báo của nhóm Ấn Độ phân tích trên 1 bệnh nhân là cô gái 24 tuổi hoặc bài báo của nhóm Israel năm 2007 phân tích trên 12 bệnh nhân, v.v… các nghiên cứu này dựa trên các ca bệnh có thật, trên người và đây là những hiện tượng nhiễm độc (không phải vaccine, thử thuốc mới) nên không thể là một khảo sát với nhiều người được vì không ai lại muốn bị đem ra làm thí nghiệm uống chất độc vào người. Trong các nghiên cứu này, họ sử dụng các cơ sở khoa học vững chắc ví dụ như “kim loại nặng làm hại gan”, “viêm đường mật dẫn đến suy gan”, v.v… để liên kết các suy luận trong trong bài viết đưa ra kết luận ảnh hưởng của sản phẩm Herbalife làm suy gan cấp tính có ý nghĩa và giá trị khoa học. Nhắc lại lần nữa là các bài báo mô tả về sự nhiễm độc gan từ sản phẩm Herbalife không phải xảy ra lần đầu, mà trước đó đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới ở Israel, Thụy Sĩ, Argentina, Mỹ, Iceland, Tây Ban Nha, điều này càng làm mạnh hơn cho những kết luận lâm sàng trong bài báo gần đây nhất từ Ấn Độ. Đừng nói với tôi là những bài báo dạng “Case Report” là thứ vất đi nhé, nó chỉ thể hiện sự nông cạn của bạn về khoa học thôi.
5/ Herbalife có thuê 300 nhà khoa học tiếng tăm, có cả nhà khoa học đoạt giải Nobel!
Tôi chưa kiểm tra được thông tin này có thật như vậy hay không nhưng dù có thật như vậy thì điều này cũng không nói lên được chất lượng sản phẩm của Herbalife như thế nào. Vì chất lượng sản phẩm chỉ phản ảnh qua sự an toàn và hiệu quả của chúng trong thị trường người tiêu dùng mà thôi. Cũng giống như thế, khi người ta đánh giá xếp hạng một trường đại học người ta không dựa vào số lượng hay sự nổi tiếng của các GS, TS ở trường đó mà người ta dựa vào số lượng công trình khoa học và chất lượng công trình khoa học được tạo ra bởi những người đó. Do vậy, các bạn bán hàng đừng đem 300 nhà khoa học của Herbalife ra mà chống chế cho cái sản phẩm bị nhiễm độc nha, đó là một sai lầm rất nghiêm trọng! Nếu có 300 nhà khoa học kia thật thì tôi nghĩ bạn nên hỏi họ xem tại sao các nghiên cứu trên vẫn nằm hoài trên Pubmed vậy?
6/ Tại sao Tiến Sĩ nghiên cứu ung thư lại có thể nói chuyện giảm cân?
Các bạn nên biết là Tiến Sĩ khoa học không chỉ được đào tạo để có một kiến thức thâm sâu trong lĩnh vực chuyên môn của họ mà còn được đào tạo “khả năng nghiên cứu khoa học độc lập”. Điều này có nghĩa là họ có khả năng tự học, tự nghiên cứu để hiểu những kiến thức không những trong chuyên ngành của họ mà còn những kiến thức cận chuyên ngành hoặc ngoài chuyên ngành. Một Tiến Sĩ nghiên cứu về ung thư mà không có khả năng đọc hiểu được các bài báo chuyên ngành liên quan đến các vấn đề giảm cân, sức khỏe, ngộ độc thực phẩm thì chính là TS giấy đấy nha!
Câu hỏi trên giống như hỏi tại sao người nông dân trồng lúa cũng có thể trồng cây ăn trái?!
7/ Tiến Sĩ thèm like, câu view!
Đây là một kiểu chụp mũ thô thiển và thiếu văn hóa nhất. Nên biết là tôi không kinh doanh gì dựa trên bài viết trên Facebook, tôi cũng chẳng nhận xu nào từ bất cứ tổ chức hay cá nhân nào để ngồi hàng giờ mỗi ngày đọc các thông tin khoa học, phân tích và bình dân hóa kiến thức khoa học cho mọi người dễ hiểu cả. Chuyện các bạn like hay share bài viết của tôi không làm cho tôi giàu có hơn về tiền bạc đâu. Những cái “like” hay “share” của các bạn cho tôi biết các bạn đang quan tâm, đồng tình và kiến thức tôi cung cấp có ích cho các bạn và người thân của các bạn. Tại sao tôi lại chuốc việc vào thân khi không có lợi ích gì? Tôi chỉ làm vì tôi cảm thấy “sống phải có ích” thôi.
Tôi thật tình không thích nổi tiếng, không thích nói nhiều đặc biệt là nói về chính mình nhưng các bạn ép tôi đấy nhé! Qua đây tôi cũng gửi lời cảm ơn tới rất nhiều đến các bạn trên Facebook đã đứng ra bảo vệ tôi khi tôi bị chà đạp danh dự bởi những kẻ ham tiền, hám danh, vô học! Các bạn giúp tôi tin rằng trong thế giới này người tốt vẫn còn có cơ hội lên tiếng để bảo vệ sự thật, bảo vệ cái đúng!
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Facebook: https://www.facebook.com/vu.nguyen.758