Điểm tin nghiên cứu mới công bố (NEJM): Liệu pháp thay thế thận trong hồi sức tích cực
Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ vẫn gặp khó khăn trong việc tìm thời điểm thích hợp để bắt đầu sử dụng liệu pháp thay thế thận (RRT) cho bệnh nhân hồi sức tích cực (ICU). Lượng y văn tuy ngày càng nhiều nhưng lại đưa ra những kết quả rất khác nhau. Các nghiên cứu năm 2018 tập trung vào những nhóm bệnh nhân cụ thể này đã được Editor của tạp chí NEJM tổng kết để đánh giá liệu thu hẹp phạm vi tiếp cận RRT có đưa ra được hướng dẫn điều trị cụ thể hay không.
Ở một thử nghiệm trước đây, bệnh nhân ICU có tổn thương thận cấp tính (AKI giai đoạn 3, được xác định bằng nồng độ creatinine huyết thanh và lượng nước tiểu), cần thở máy hoặc sử dụng thuốc co mạch được lựa chọn ngẫu nhiên để sử dụng liệu pháp RRT sớm hoặc muộn, có các tiêu chí cụ thể để trì hoãn RRT (NEJM JW Gen Med ngày 15/7 2016 và N Engl J Med 2016 ngày 14/7; 375:122). Năm 2018, một phân tích hậu kiểm (post hoc) cho thử nghiệm trên tập trung vào nhóm bệnh nhân cụ thể có shock nhiễm khuẩn và suy hô hấp cấp (ARDS). Kết quả phân tích tương tự nhau ở cả 2 nhóm, không có sự khác biệt nào giữa dùng RRT sớm và muộn ở các tiêu chí: thời gian ngừng thở máy, thời gian nằm viện và tỉ lệ tử vong trong 60 ngày (NEJM JW Gen Med ngày 15/8 và Am J Respir Crit Care Med ngày 1/7; 198:58). Những kết quả trên tương đồng với kết quả đã được công bố cho toàn bộ quần thể nghiên cứu.
Trong một thử nghiệm mới năm 2018, 488 bệnh nhân có shock nhiễm khuẩn và AKI được phân nhóm ngẫu nhiên để điều trị bằng liệu pháp thay thế thận sớm hoặc muộn hơn 48 tiếng (trừ trường hợp có dấu hiệu hồi phục chức năng thận rõ ràng). Thử nghiệm này đã kết thúc sớm do không đem lại lợi ích. Một lần nữa, không có sự khác biệt nào trong tỉ lệ tử vong giữa 2 nhóm. Đáng chú ý là chỉ có 62% bệnh nhân ở nhóm điều trị muộn thực hiện RRT (NEJM JW Gen Med ngày 1/12 và N Engl J Med 11/10; 379:1431).
Thử nghiệm thứ 3 tập trung vào nhóm bệnh nhân nguy kịch nhiễm toan chuyển hóa, gần một nửa trong số đó có tổn thương thận cấp tính. Bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa nghiêm trọng (pH ≤ 7,2; bicarbonate ≤ 20 mmol/l; phân suất CO2 ≤ 45 mmHg) được cho truyền dịch NaHCO3 4,2% hoặc không điều trị gì. Mặc dù tỉ lệ tử vong là khác biệt giữa 2 nhóm, điểu trị bằng RRT vẫn là liệu pháp phổ biến ở nhóm đối chứng so với nhóm điều trị bằng bicarbonate (NEJM JW Gen Med ngày 1/9 and và Lancet ngày 7/7; 392:31).
Những nghiên cứu trên không chứng minh được lợi ích rõ ràng nào của việc điều trị bằng RRT sớm ở bệnh nhân shock nhiễm khuẩn và ARDS. Việc trì hoãn sẽ giúp một nhóm bệnh nhân tránh được RRT hoàn toàn. Với những bệnh nhân mà chỉ định lọc máu chính là do nhiễm toan chuyển hóa, truyền bicarbonat có thể cũng giúp trì hoãn RRT.
Nguồn: https://www.jwatch.org/na48078/2018/12/27/nejm-journal-watch-general-medicine-year-review-2018
Dịch bởi trung tâm CẢNH GIÁC DƯỢC – Trung tâm DI & ADR Quốc gia