Mydrin-P® – Kinh nghiệm sử dụng vào các trường hợp mỏi mắt do điều tiết.

Mydrin-P

– Câu hỏi dành cho các bác sỹ nhãn khoa – “Có cách nào để nhìn gần nhiều mà không bị mỏi mắt?” – đã nêu lên một thực trạng trong xã hội hiện đại. Đó là áp lực công việc, học tập hay thậm chí là cả việc “thư giãn” cũng buộc đôi mắt của chúng ta phải hoạt động quá mức. Trên tay ai cũng kè kè có thiết bị điện tử “thông minh”, nếu không sử dụng điện thoại thì đọc sách, không đọc sách thì lại xem tivi, tivi không có chương trình gì hay thì lại sử dụng máy tính để giải trí bên cạnh những giờ làm việc căng thẳng không cần biết có phải sử dụng thiết bị điện tử hay không. Như vậy, việc mỏi mắt do nhìn gần quá nhiều sẽ rất khó tránh khỏi.

– Trong bài viết “Vitamin B12 – Mức độ tác động đến sự mỏi mắt do điều tiết đến đâu?”, vai trò của Vitamin B12 vẫn chưa thực sự thể hiện tác dụng rõ ràng và cần sự bổ trợ từ những biện pháp khác để tăng cường hiệu quả chống mỏi mắt do điều tiết. Một trong những sự hỗ trợ đó là sử dụng thêm các thuốc có cơ chế tác động khác. Chỉ có điều, các nghiên cứu để đánh giá trực tiếp vai trò của một thuốc nào đó lên quá trình giảm mỏi mắt do điều tiết thì không có nhiều do tính chất phức tạp của việc thử nghiệm. Do vậy, việc sử dụng một thuốc nào đó (mà không có chỉ định trên sản phẩm) cho mục đích hỗ trợ giảm mỏi mắt do điều tiết chủ yếu được dựa trên những hiểu biết về cơ chế tác dụng của thuốc cũng như kinh nghiệm lâm sàng của các chuyên gia nhãn khoa.

– Vậy thì loại thuốc được sử dụng đó là gì? Và tại sao lại chọn loại thuốc đó? Ai làm trong ngành nhãn khoa chắc cũng đều biết sự kết hợp của 02 hoạt chất: Tropicamid và Phenylephrin – dùng cho mục đích giãn đồng tử (lòng đen) để chẩn đoán hình ảnh đáy mắt (phần bên trong mắt) hoặc đánh giá chỉ số khúc xạ (độ cận/viễn,loạn) sau khi làm liệt khả năng điều tiết của mắt tạm thời. Trên thế giới có rất nhiều loại chế phẩm chứa 01 hoặc 02 hoạt chất này với các nồng độ khác nhau. Chính vì thế, mức độ và thời gian tác dụng sẽ khác nhau và được sử dụng cho các mục đích chẩn đoán khác nhau.

– Biệt dược được nhắc đến ở phạm vi bài viết này có tên thương mại là Mydrin-P chứa 0.5% Tropicamid và 0.5% Phenylephrin, được coi là sản phẩm có nồng độ thấp nhất được sử dụng trong nhãn khoa. Với chế độ liều nhỏ mắt 1 giọt x 2-3 lần cách nhau 3-5 phút , tác dụng giãn đồng tử và liệt cơ thể mi của chế phẩm này có thể kéo dài từ 4 đến 6 tiếng. Một vấn đề liên quan đến việc nhỏ các thuốc có tác dụng liệt điều tiết là thời gian tác dụng thường kéo dài, từ 1-3 ngày thậm chí vài tuần tùy từng loại thuốc và cơ địa từng người. Trong thời gian thuốc tác dụng, khả năng nhìn gần của bệnh nhân bị phong bế nên bệnh nhân thường nhìn gần mờ dẫn đến những bất tiện trong sinh hoạt và học tập.

– Nếu sử dụng cho mục đích chẩn đoán tật khúc xạ thì thuốc có tác dụng liệt điều tiết càng mạnh cho kết quả càng chính xác. Nhưng nếu để kiểm tra đáy mắt thì việc sử dụng thuốc có tác dụng giãn đồng tử nhanh và ngắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho bệnh nhân. Thời gian tác dụng 4-6 tiếng của biệt dược Mydrin-P được coi là phù hợp hơn cả cho mục đích này. Trở lại với vấn đề ban đầu, ở những người có tần suất làm việc nhìn gần nhiều, các bác sỹ nhãn khoa thường kiểm tra thấy có sự rối loạn điều tiết. Đặc biệt cần chú ý ở trẻ nhỏ, tình trạng “cận thị giả” hay diễn ra do sự co quắp của cơ thể mi và không giãn trở lại được khi nhìn gần quá nhiều. Khi đó, việc sử dụng thuốc có tác dụng liệt cơ thể mi (giãn cơ) sẽ phát huy hiệu quả cao, giúp cho chức năng điều tiết trở về bình thường.

– Vấn đề là, đối với các trường hợp mỏi mắt do điều tiết ở người lớn, chưa có tài liệu hay nghiên cứu nào hướng dẫn nên lựa chọn loại thuốc liệt điều tiết nào, liều dùng như thế nào, hay kéo dài bao nhiêu lâu. Việc sử dụng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm lâm sàng của các bác sỹ và sự hiểu biết về các thuốc liệt điều tiết sẵn có tại cơ sở. Tại nơi ad đang làm việc, Mydrin-P là thuốc được lựa chọn với chế độ liều 1 giọt 1 lần vào buổi tối trước khi ngủ, thời gian kéo dài từ 1 đến 4 tuần tùy vào đáp ứng trên kiểm tra chức năng và phản hồi của bệnh nhân về việc cải thiện tình trạng mỏi mắt sau khi sử dụng. Chế phẩm này nên được dùng bổ sung cho các thuốc chống mỏi mắt tạm thời như Sancoba, Minndrop, các loại V.Rohto bổ sung vitamin….

– Giống như những thuốc liệt điều tiết khác, các tác dụng phụ toàn thân của chế phẩm Mydrin-P, điển hình là tác dụng trên tim mạch hoàn toàn có thể xảy ra ở bất kể nồng độ và mức liều nào. Chính vì thế, chúng ta cần thận trọng sử dụng trên các bệnh nhân có các vấn đề về tim mạch hay các bệnh lý toàn thân khác, và tốt nhất là nên hướng dẫn ấn điểm lệ (khóe mắt phía mũi) trong 1 phút để hạn chế thuốc thấm vào toàn thân.

– Cuối cùng, tuy kết quả sử dụng MydrinP trong thực tế với mục đích điều trị rối loạn điều tiết tỏ ra khả quan nhưng việc thiếu các nghiên cứu chứng minh đã hạn chế việc sử dụng MydrinP cho tác dụng này. Mặt khác, dù nghiên cứu có hay đến đâu, có hay không có nghiên cứu thì kinh nghiệm lâm sàng của các bác sỹ vẫn rất quan trọng đối với kết quả điều trị của từng bệnh nhân. Và xin nhắc lại một lần nữa, vấn đề “chống mỏi mắt” cần một loạt các biện pháp khác nhau để cải thiện hiệu quả chứ không nên chỉ đơn thuần dựa vào thuốc.

Nhà thuốc chuyên khoa mắt Hà Nội có bán thuốc:

+ Mydrin-P 0.5% 10ml (chứa 0.5% Tropicamid và 0.5% Phenylephrin) do hãng Santen – Nhật sản xuất với chỉ định: “Làm giãn đồng tử và liệt cơ thể mi cho mục đích chẩn đoán hoặc điều trị”. Giá bán: 72.000đ. Giá nhập (giá trúng thầu toàn quốc): 67.500đ.

Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong nhận được nhiều sự chia sẻ của mọi người.

Tác giả: Thạc sĩ Dược sĩ  Trần Hải Đông

 

 

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *