– Câu truyện về sự ra đời của ý tưởng “kết nối toàn bộ dữ liệu về thuốc của các nhà thuốc” được khởi nguồn từ việc cơ quan quản lý phải kiểm soát việc mua thuốc kháng sinh “dễ như mua rau” ở nước ta. Cùng với thực trạng đó, việc mua, bán thuốc không có hóa đơn, chứng từ cũng như sự không minh bạch về nguồn gốc xuất xứ gần như phổ biến ở cả nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện cũng đã góp phần tạo nên cái gọi là “Phần mềm kết nối dữ liệu Nhà thuốc lên cổng thông tin thuốc quốc gia”.
– Trước khi bàn luận thêm về phần mềm này, ad xin mời mọi người nhớ lại một chút sự thay đổi đầu tiên đối với quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc khi Luật Dược 2016 ra đời. Đó là bắt đầu từ 1/1/2018, quy định bắt buộc tất cả các nhà thuốc phải mua Nhiệt Ẩm Kế Tự Ghi (tự động ghi lại nhiệt độ, độ ẩm theo giờ) thay cho các loại nhiệt ẩm kế thông thường. Lý do của việc ra đời quy định này là để kiểm soát các nhà thuốc phải thực hiện nghiêm túc theo dõi nhiệt độ, độ ẩm do lo sợ các nhà thuốc tiết kiệm điện, không bật các thiết bị điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm dẫn đến không đảm bảo chất lượng thuốc.
– Vấn đề là ở thời điểm đó, các Nhà thuốc hầu như chỉ có thể mua được 1 loại duy nhất của hãng Elitech- Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ có một loại này và chỉ có một công ty phân phối loại đó bán cho các đại lý? Người ta không thể tránh khỏi việc nghi ngờ “có lợi ích nhóm” ở đây, bắt nguồn từ những người soạn thảo ra quy định đó.
– Quay lại với vấn đề phần mềm kết nối dữ liệu Nhà thuốc, nhiều nhà thuốc hiện nay bắt đầu xây dựng việc quản lý kho bằng cách mua phần mềm quản lý riêng của mình. Nhưng khi thông tư 02/2018-BYT ra đời, các nhà thuốc trên toàn quốc sẽ có 3 lựa chọn:
+ một là phải sử dụng song song hai phần mềm (một phần mềm ban đầu của nhà thuốc, một phần mềm “phải” mua thêm theo quy định). --> cách này đang được đa số các nhà thuốc “phải” lựa chọn vì đơn giản nhất.
+ hai là chỉ sử dụng phần mềm ban đầu nhưng phải chuẩn dữ liệu Đầu vào-Đầu ra theo như bên phần mềm “phải mua” quy định và có công văn gửi lên Cục quản lý Dược để xin mở cổng kết nối cho phần mềm ban đầu và nếu được phê duyệt, tiếp tục làm công văn gửi lên Sở Y Tế địa phương để xin cấp số tài khoản cho nhà thuốc đó. Sau các thủ tục như vậy, dữ liệu của nhà thuốc đó mới được kết nối lên Trung tâm dữ liệu quốc gia về thuốc. --> cách này khá phức tạp nhưng đó là cách các nhà thuốc bệnh viện đang phải hướng tới.
+ ba là không sử dụng phần mềm “phải mua” và chờ đến khi bị Sở Y Tế địa phương đóng cửa nhà thuốc. --> chắc rất ít người chọn cách này vì họ còn phải kiếm sống.
– Tiếp tục câu truyện, cuối năm 2018, các chủ nhà thuốc tại Hà Nội được mời lên Phòng Y Tế Quận, Huyện để hướng dẫn triển khai việc sử dụng phần mềm kết nối dữ liệu Nhà Thuốc. Khi đó, không khí tại các phòng họp đều rất căng thẳng, việc tranh luận giữa một bên là các chủ Nhà thuốc và một bên là các lãnh đạo phòng y tế và các nhân viên phần mềm, chỉ trực chờ ai đó không kiềm chế được là gần như có thể xảy ra va chạm, đánh nhau ngay tại đó. Tại sao lại như vậy? Lý do được nêu ra như sau:
+ Đầu tiên, các chủ nhà thuốc không chấp nhận việc bị theo dõi tình trạng kinh doanh của mình, họ sợ các thông tin về nguồn hàng và khách hàng bị lộ ra bởi bên thứ ba hay thậm chí là bởi bên cung cấp phần mềm. Thông tin trong thời buổi hiện nay chính là “Tiền”, chỉ cần thông tin về một nhà cung cấp nào đó được tuồn ra ngoài là nhà thuốc đó có thể mất “sự độc quyền” về việc bán một loại thuốc đang “hot” nào đó.
+ Thứ hai, họ lo sợ nếu bị cơ quan thuế lấy dữ liệu kinh doanh của họ mà tính thuế thì số tiền phải nộp sẽ tăng lên rất nhiều lần, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đối với những người kinh doanh theo dạng hộ cá thể.
+ Thứ ba, các chủ nhà thuốc thắc mắc là “Tại sao chỉ có “ông” Viettel cung cấp phần mềm này mà lại không có “ông” nào khác? Đã thế lại còn đề nghị ký hợp đồng cả 12 tháng luôn?”. Giá sử dụng 12 tháng của phần mềm Viettel là 1,8 triệu đồng và phải ký hàng năm để sử dụng nên các chủ nhà thuốc không tránh khỏi cảm giác “xót tiền không cần thiết”.
– Bên lãnh đạo phòng y tế quận, huyện và bên phần mềm Viettel lần lượt trả lời các câu hỏi một cách “chẳng thuyết phục được ai” nên họ phải chốt một câu để dập tắt đám đông: “Đây là QUY ĐỊNH của CHÍNH PHỦ, các vị BẮT BUỘC phải thực hiện.”
– Nhắc đến vậy, các chủ nhà thuốc phải ngậm ngùi lấy số điện thoại của bên Viettel và đa số đã phải thực hiện mua ngay sau đó. Lại một lần nữa, vấn đề “có vẻ như độc quyền” lại tiếp tục xảy ra và khi hơn 95% các nhà thuốc ở Hà Nội đã ký với bên Viettel xong xuôi rồi thì mới bắt đầu có những công ty phần mềm khác được tham gia vào cho “minh bạch, công bằng”.
– Rõ ràng là đường lối chỉ đạo của Chính Phủ về việc minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ của thuốc tại các nhà thuốc rất đúng đắn nhưng đến khi thực hiện, ai cũng cảm thấy bị “ép buộc”, bức xúc với quy định trong thông tư ban hành. Khoan chưa bàn luận về việc quy định này có xung khắc với các bộ Luật khác hay không, các chủ nhà thuốc khi bị “ép buộc” phải làm thì họ cũng sẽ làm theo kiểu “đối phó”. “Đối phó” như thế nào thì có rất nhiều cách vì “luật dù có chặt chẽ đến đâu vẫn có cách để lách” nhưng ad xin không nêu ra ở đây. Chỉ có điều, khi đã làm theo kiểu “đối phó” thì giá trị xã hội trong thực tiễn của quy định này sẽ không còn ý nghĩa nữa.
Nhà thuốc chuyên khoa mắt HD Hà Nội hiện đang phải sử dụng 03 phần mềm: phần mềm liên thông dữ liệu của Viettel, phần mềm quản lý kho ban đầu – Nanosoft của Việt Nam và phần mềm quản lý bệnh án điện tử – Medius của Nhật. Các nhân viên phải thực hiện nhập dữ liệu vào cả 2 phần mềm để đảm bảo đúng theo quy định ở thời điểm hiện tại, còn tương lai sẽ cố gắng thực hiện kết nối bằng phần mềm Nanosoft khi mọi thứ đã “được tạo điều kiện thuận lợi” hơn từ các bên liên quan.
Xin cảm ơn quý khách đã đọc bài và mong chủ đề này sẽ nhận được nhiều sự chia sẻ từ các đồng nghiệp.
Tác giả: Thạc sĩ Dược sĩ Trần Hải Đông