Virus là những sinh vật nhỏ, có thể gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm đối với con người. Vậy, thuốc kháng virus là gì? Bài viết dưới đây, Dược sĩ Lưu Văn Hoàng sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về các loại thuốc kháng virus hiện nay
Virus là gì?
Virus là những sinh vật nhỏ, có cấu tạo đơn giản. Virus có thể gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm cho con người như cúm, đậu mùa, zona, viêm đường hô hấp, thủy đậu, bệnh AIDS và có thể là nguyên nhân gây nên ung thư.
Cấu tạo của virus gồm một một lớp vỏ gọi là capsid bao bọc một nhân acid nucleic.
Virus sống dựa vào tế bào vật chủ, chúng sử dụng bộ máy hóa tính của các tế bào vật chủ để tổng hợp acid nucleic, protein và đây cũng chính là nguyên nhân gây bệnh của virus.
Phân loại các virus
Không giống như vi khuẩn, các loại virus trong nhân có chứa ARN (acid ribonucleic) hoặc ADN (acid deoxyribonucleic). Do đó, virus được phân thành 2 nhóm dựa theo đặc điểm của acid nucleic và ADN virus và ARN virus.
Bên cạnh đó, virus có thể được phân loại dựa theo hình dáng, theo lớp bọc hoặc theo căn bệnh mà chúng gây ra.
Quá trình phát triển và nhân lên của virus trong tế bào vật chủ có thể được chia làm 5 giai đoạn bao gồm: Hấp phụ, cởi vỏ, tổng hợp, lắp ráp và phóng thích.
Dựa vào đó, các thuốc kháng virus có thể được phân chia thành các nhóm tác động lên từng quá trình trên.
Con đường lây truyền của virus
Virus lây truyền từ người qua người hoặc từ động vật qua người theo nhiều con đường khác nhau như:
- Lây truyền qua đường máu.
- Lây truyền qua đường tình dục không an toàn.
- Lây truyền từ mẹ sang con.
- Lây truyền qua đường hô hấp.
Các nhóm thuốc kháng virus
Nguyên tắc của việc phân loại các thuốc kháng virus cũng tương tự như các thuốc khác. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố gây khó khăn trong việc thiết kế các thuốc kháng virus do chúng có khả năng thay đổi, có thể kể đến như:
- Thay đổi tính kháng nguyên.
- Thay đổi sự phụ thuộc của virus vào enzyme của tế bào vật chủ.
- Thay đổi thời gian tiềm tàng không có triệu chứng.
Dựa trên quá trình phát triển của virus, các thuốc kháng virus hiện nay được phân thành 8 nhóm:
- Thuốc ức chế quá trình phiên mã.
- Thuốc ức chế quá trình dịch mã.
- Thuốc ngăn cản virus gắn vào receptor của tế bào vật chủ, ngăn cản quá trình thâm nhập hoặc cởi áo.
- Thuốc cản trở các các protein điều chỉnh của virus.
- Thuốc ức chế các enzym virus.
- Thuốc cản trở quá trình lắp ráp của các protein virus.
- Thuốc cản trở quá trình phosphoryl, glycosyl, sulfat hóa.
- Thuốc ức chế giải phóng virus ra khỏi tế bào.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá tình điều trị, các thuốc kháng virus có thể được phân loại theo nhóm bệnh mà virus đó gây ra:
- Thuốc điều trị virus herpes.
- Thuốc kháng HIV.
- Thuốc điều trị virus viêm gan.
- Thuốc phòng và điều trị cúm.
Thuốc điều trị virus Herpes
Herpes virus (HSV) là loại virus chứa DNA gây ra các bệnh như mụn rộp sinh dục, thủy đậu, viêm võng mạc và bệnh bạch cầu đơn nhân
nhiễm trùng.
Các thuốc kháng virus can thiệp vào quá trình sao chép DNA sẽ có tác dụng chống lại virus herpes.
HSV-1 thường gây ra các bệnh ở mặt, miệng, não, thực quản, da trong khi đó, HSV-2 thường gây ra các bệnh ở màng não, trực tràng, da, tay, bộ phận sinh dục.
Herpes virus có thể tự khỏi mà không cần bất kỳ một biện pháp can thiệp nào. Tuy nhiên, trong trường hợp virus phát triển mạnh, gây ra những triệu chứng khó chịu cho người bệnh, cần có phác đồ điều trị để hạn chế tình trạng lây lan và những biến chứng có thể xảy ra.
Các thuốc điều trị virus Herpes có cấu trúc nucleoside. Tất cả các thuốc đều ở dạng tiền chất, sau khi vào cơ thể sẽ được hoạt hóa để trở thành triphosphat là dạng có hoạt tính nhờ quá trình phosphoryl hóa.
Acyclovir có cấu trúc tương tự deoxyguanosine nhưng không có phần đường. Acyclovir có tác dụng tương đối chọn lọc trên tế bào nhiễm virus.
Các thuốc điều trị virus herpes được bào chế thành dạng thuốc uống tác dụng toàn thân bao gồm:
- Acyclovir (Sitavig, Zovirax, Acyclovir STADA, Agiclovir, Medskin,…).
- Valacyclovir (Valtrex, Valacyclovir Tablets USP 1000 mg,…).
- Famciclovir (Famvir, Famciclovir STADA 500mg).
Các dạng thuốc kháng virus được bào chế ở dạng thuốc bôi tại chỗ:
- Acyclovir STADA cream.
- Mediclovir 3% Medipharco.
Thuốc kháng HIV
Thuốc kháng virus HIV hay còn được gọi là thuốc kháng virus sao chép ngược. Bản chất của HIV (human immunodeficiency virus) là một loại virus sao chép ngược. Dựa vào quá trình phát triển của virus HIV trong tế bào vật chủ, có thể nghiên cứu các thuốc kháng virus tác động vào các quá trình sau:
- Ngăn cản virus HIV gắn được vào các receptor của tế bào.
- Ngăn cản sự hòa màng và thoát vỏ của virus.
- Kìm hãm sự sao chép ngược từ ARN.
- Ngăn cản sự sao mã hay ngăn cản sự tổng hợp protein của virus.
- Kìm hãm sự lắp ráp hay sự tổ hợp lại của virus, kìm hãm sự nảy chồi.
- Ngăn cản quá trình sao mã muộn hay ngăn cản sự tổng hợp protein của virus.
Ở mỗi giai đoạn, có thể tìm ra thuốc kháng virus thích hợp. Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, hiện nay, các thuốc chủ yếu là thuốc ức chế enzym sao chép ngược, protease và integrase.
Enzym sao chép ngược (RT) là enzym đóng vai trò trong việc chuyển mạch đơn ADN của virus HIV thành ADN mạch kép trước khi xâm nhập vào nhiễm sắc thể của tế bào vật chủ.
Thuốc ức chế enzym sao chép ngược có 2 loại:
- Thuốc ức chế nucleoside reverse transcriptase (NRTI): Thuốc ít có tác dụng đối với các tế bào nhiễm HIV, có tác dụng rất sớm ở giai đoạn sao chép của HIV. Các thuốc trong nhóm đều được coi là tiền thuốc, có cấu trúc tương tự như thành phần cấu tạo nên ADN nhưng cần phải có enzym phosphoryl hóa mới có hoạt tính. Đây là nhóm thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp thuốc để điều trị cho bệnh nhân HIV.
- Thuốc ức chế non-nucleoside reverse transcriptase (NNRTI): Thuốc ức chế enzym sao chép ngược không phải nucleoside. Cơ chế tác dụng của thuốc là gắn vào vị trí tác động của enzym sao chép ngược, từ đó làm thay đổi hình dáng của vị trí này dẫn đến enzyme bị mất hoạt tính. NNRTI không trải qua giai đoạn phosphoryl hóa nhưng chỉ có tác động đối với virus HIV-1.
Thuốc ức chế enzyme Integrase và protease vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.
Các thuốc chống HIV hiện nay còn đắt, nhiều thuốc vẫn ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Thuốc ức chế NRT
Zidovudine (azidothymidine, AZT)
Zidovudine là thuốc tổng hợp, ban đầu được sử dụng làm thuốc chống ung thư, sau đó, vào năm 1974, Ostertag đã thấy tác dụng kháng virus của thuốc. Vào năm 1985 thì thấy Zidovudine có tác dụng ức chế HIV-1 khi tiến hành nghiên cứu trên in vitro.
Cơ chế tác dụng
Sau khi xâm nhập được vào tế bào, Zidovudine cần trải qua quá trình phosphoryl hóa để tạo thành Zidovudine 5-triphosphate có hoạt tính.
Zidovudine 5-triphosphate tranh chấp với deoxythymidine triphosphate của enzyme sao chép ngược, bên cạnh đó, hoạt chất này còn tranh chấp với thymidine triphosphate từ đó tạo ra những ADN provirus không hoàn chỉnh.
Khi nghiên cứu trên in vitro thấy Zidovudine có tác dụng kháng HIV-1, HIV-2 và cả các virus hướng lympho T của người.
Chỉ định và liều dùng
Mỗi lần uống 200mg, cách 8 giờ uống lại một lần hoặc mỗi lần uống 100mg, ngày uống 5 lần.
Sử dụng liên tục.
Có thể kết hợp với các thuốc ức chế enzym sao chép ngược khác hoặc thuốc ức chế protease.
Chế phẩm trên thị trường
Biệt dược gốc: Retrovir.
Tên thương mại: AZT, Videx EC.
Didanosine (ddI)
Didanosine có bản chất tương tự như nucleoside purin, đã được nghiên cứu từ năm 1989 và chính thức dùng điều trị từ cuối năm 1991.
Didanosine có tác dụng đối với cả HIV-1 và HIV-2.
Cơ chế tác dụng
Sau khi thâm nhập vào tế bào, Didanosine sẽ được chuyển hóa thành Deoxyadenosine triphosphate (dd ATP) dưới tác dụng của enzym chuyển hóa nội bào.
Deoxyadenosine triphosphate (dd ATP) sau đó sẽ tranh chấp với dATP từ đó ức chế enzym sao chép ngược của virus, ngăn cản sự kéo dài chuỗi ADN và ngăn cản quá trình tổng hợp ADN provirus.
Chỉ định và liều lượng
Sử dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi, người lớn nhiễm HIV nhưng không dung nạp với liệu pháp AZT (Zidovudine) hoặc sử dụng AZT (Zidovudine) trên 4 tháng nhưng tình trạng bệnh vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Liều dùng cho người lớn: Mỗi lần uống 200mg, ngày uống 2 lần. Có thể cân nhắc giảm liều nếu bệnh nhân có cân nặng thấp.
Trẻ em sử dụng liều theo diện tích cơ thể.
Thời điểm uống thuốc: Uống lúc đói, trước bữa ăn 1 giờ. Nên nhai hoặc hòa viên thuốc cho tan rồi uống ngay.
Một số chế phẩm trên thị trường
Biệt dược gốc: Videx, Videx EC.
Tên thương mại: Dinex EC.
Nevirapine – Thuốc ức chế NNRT
Cơ chế tác dụng
Nevirapine sau khi khuếch tán vào bên trong tế bào sẽ gắn với enzym sao chép ngược, từ đó làm thay đổi hình dáng và gây bất hoạt enzym. Nevirapine có tác dụng mạnh đối với HIV-1, bao gồm cả virion ngoài tế bào.
Liều dùng
Mỗi lần uống 1 viên, ngày uống 1-2 lần.
Chế phẩm trên thị trường
Biệt dược gốc: Viramune XR, Viramune.
Tên thương mại: Nevirapine STADA 200mg, Nevimum.
Thuốc ức chế Protease
Indinavir
Sử dụng kết hợp với thuốc ức chế enzym sao chép ngược để kéo dài thời gian kháng thuốc.
Liều dùng: Uống 800mg, cách 8 giờ uống lại một lần, nên uống cách xa bữa ăn. Các dạng viên uống 200mg, 400mg.
Ritonavir
Ức chế đặc hiệu HIV-1 protease.
Có 2 dạng bào chế là dạng viên nang 100mg và dạng dung dịch uống 80mg/mL.
Biệt dược gốc: Norvir, Norvir Soft Gelatin.
Tên thương mại: Lopinavir/Ritonavir 200mg/50mg Mylan, Kaletra,…
Nguyên tắc sử dụng thuốc chống HIV
WHO đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng thuốc chống HIV như sau:
- AZT + 3 TC + Nevirapin.
- AZT + 3 TC + Nelfinavir.
- AZT + 3 TC + Lopinavir/ indinavir/ Saquinavir.
Việc sử dụng 2 thuốc chống HIV được coi là không còn thích hợp.
Việc tuân thủ nguyên tắc điều trị có ý nghĩa hơn việc lựa chọn thuốc điều trị.
Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai, cần được điều trị phối hợp thuốc tối ưu.
Thuốc điều trị virus viêm gan
Virus viêm gan (hepatotropic virus) có thể gây viêm và hoại tử gan.
Có 5 loại virus gây bệnh viêm gan bao gồm:
- Hepatitis A (HAV).
- Hepatitis B (HBV).
- Hepatitis C (HCV).
- Hepatitis D (HDV).
- Hepatitis E (HEV).
Trong đó, Hepatitis D (HDV), Hepatitis E (HEV) là 2 loại ít phổ biến hơn.
Viêm gan virus B và viêm gan virus C có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, ung thư gan. Do đó, các thuốc điều trị viêm gan virus sẽ đề cập chủ yếu đến viêm gan virus B và viêm gan virus C.
Thuốc điều trị virus viêm gan B
Các liệu pháp điều trị virus viêm gan B hiện nay không thể chữa khỏi hoàn toàn và chỉ dưới 10% bệnh nhân được chữa khỏi về mặt chức năng.
Adefovir Dipivoxil (PMEA)
Adefovir Dipivoxil (PMEA) là dạng tiền thuốc của adefovir. PMEA hoạt động tương tự như một chất ức chế cạnh tranh với ADN polymerase HBV, từ đó PMEA tích hợp vào ADN của virus dẫn đến kết thúc chuỗi ADN.
Adefovir Dipivoxil (PMEA) là thuốc có ái lực cao với ADN polymerase của virus viêm gan B.
Biệt dược gốc: Hepsera.
Tên thương mại: Adefovir STADA.
Entecavir
Cơ chế tác dụng của Entecavir là ức chế tổng hợp ADN của virus viêm gan B.
Entecavir có bản chất tương tự như guanosin.
Sau khi vào cơ thể, Entecavir phải trải qua quá trình phosphoryl hóa nội bào để tạo thành chất có hoạt tính là Entecavir triphosphat. Chất này ức chế cả 3 hoạt động của virus viêm gan B bao gồm:
Cạnh tranh với deoxyguanosine triphosphat để tích hợp vào ADN của virus viêm gan B.
Ức chế hoạt động của HBV polymerase.
Nhóm 3’-hydroxy của entecavir tích hợp vào ADN trước khi dừng hoạt động của ADN polymerase và các nucleotit khác.
Biệt dược gốc: Baraclude.
Tên thương mại: Entecavir Stella, A.T Entecavir 0.5,…
Telbivudine
Telbivudine sau khi vào cơ thể sẽ được phosphoryl hóa để tạo thành dạng triphosphat hoạt động nhờ các kinase của tế bào.
Telbivudine 5′-triphosphate cạnh tranh với thymidine 5’-triphosphate từ đó ức chế ADN polymerase HBV từ đó làm kết thúc quá trình kéo dài chuỗi của virus.
Telbivudine ưu tiên ức chế tổng hợp chuỗi ADN thứ hai hơn so với chuỗi ADN đầu tiên.
Thuốc có hoạt tính đối với hepa ADN nhưng lại không có hoạt tính đối với virus khác.
Biệt dược gốc: Tyzeka.
Tên thương mại: Sebivo.
Lamivudin
Lamivudin có cấu trúc tương tự với Zalcitabine. Sau khi vào cơ thể, thuốc được chuyển thành dạng lamivudin-5’-triphosphat (3TC-TP) có hoạt tính. Cơ chế stacs dụng của thuốc là cạnh tranh với deoxycytidine triphosphate tự nhiên từ đó làm giảm sự tổng hợp ADN của tế bào.
Lamivudin có độc tính thấp đối với tế bào.
Biệt dược gốc: Epivir, Epivir HBV.
Tên thương mại: Lamivudin Stella, SaVi Lamivudin,…
Tenofovir
Tenofovir thường được bào chế ở dạng tiền chất. Sau khi vào cơ thể, sẽ trải qua quá trình phosphoryl hóa để chuyển thành dạng có hoạt tính là Tenofovir diphosphat.
Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế enzym polymerase của ADN virus viêm gan B khiến chúng không thể nhân lên.
Biệt dược gốc: Vemlidy, Viread.
Tên thương mại: SaVi Tenofovir 300, Tenofovir 300 STADA,…
Thuốc điều trị viêm gan virus C
Các thuốc điều trị viêm gan virus C được chia thành 2 nhóm:
Những năm trước đây, viêm gan virus C được điều trị bằng phác đồ tiêm thuốc dưới da. Tuy nhiên, tỷ lệ đáp ứng thấp và khả năng dung nạp thuốc kém.
Hiện nay, có một số thuốc kháng virus được bào chế nhằm mục tiêu tác động đến các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của virus viêm gan C. Nhóm thuốc này được viết tắt là DAA (direct acting antivirus). DAA được sử dụng nhiều trong các liệu pháp điều trị viêm gan virus C.
Ưu điểm của các DAA là ít tác dụng phụ, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc theo đường uống, thời gian điều trị thường là 8,12 hoặc 24 tuần. Tỷ lệ điều trị thành công là hơn 90%.
Hiện nay, DAA đã thay thế pegIFN-a để điều trị viêm gan virus C. Tuy nhiên, Ribavirin vẫn được kết hợp cùng với DAA trong một số trường hợp nhất định để cải thiện tỷ lệ đáp ứng với liệu pháp điều trị.
Ribavirin
Cơ chế tác dụng của thuốc là ngăn cản quá trình tổng hợp ARN và ADN từ đó ức chế tổng hợp protein và quá trình nhân lên của virus.
Ribavirin được sử dụng kết hợp với thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAA) trong phác đồ điều trị viêm gan virus C.
Biệt dược gốc: Copegus, Moderiba, RibaPak, RibaTab.
Tên thương mại: Ribarin 400, Vixbarin 500, Ribatagin 500,…
Thuốc ức chế NS3/4A protease
Boceprevir
Boceprevir và simeprevir hoặc paritaprevir là những chất đại diện cho nhóm thuốc ức chế NS3/4A protease.
Boceprevir liên kết thuận nghịch với NS3/4A, sự ức chế giúp ngăn cản quá trình sao chép bộ gen ARN của HCV.
Tỷ lệ liên kết với protein của Boceprevir là 68%.
Biệt dược gốc: Victrelis.
Simeprevir
Simeprevir có cấu trúc vòng 14 cạnh, thuốc liên kết với các cetoacid bằng liên kết cộng hóa trị.
Sinh khả dụng của Simeprevir là 62%, nên uống thuốc cùng bữa ăn do sinh khả dụng của Simeprevir tăng lên khi có mặt thức ăn.
Biệt dược gốc: Olysio.
Thuốc ức chế NS5A/5B protease
Sofosbuvir
Sofosbuvir là dạng tiền chất, thuốc có cấu trúc của nucleoside. Ở trong tế bào, Sofosbuvir sẽ được chuyển hóa thành dạng hoạt động. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế ARN polymerase của HCV. Bên cạnh đó, thuốc cũng có thể hoạt động tương tự như một chất kết thúc sự kéo dài chuỗi.
Biệt dược gốc: Sovaldi.
Ombitasvir, ledipasvir, dasabuvir
Ombitasvir và Ledipasvir có tác dụng ức chế NS5A.
Dasabuvir có tác dụng ức chế NS5B.
Ledipasvir thường được sử dụng cùng với Sofosbuvir.
Thuốc phòng và điều trị cúm
Bệnh cúm gây ra bởi các loại virus có bộ gen ARN sợi đơn âm.
Có 3 loại virus cúm được xác định là A, B và C.
Hiện nay, có 5 loại thuốc được phê duyệt để phòng và điều trị cúm, bao gồm:
- Amantadin.
- Rimantadine.
- Oseltamivir.
- Zanamivir.
- Peramivir
Amantadine và Rimantadine
Amantadine và rimantadine ức chế giai đoạn đầu tiên trong quá trình nhân lên của virus thông qua việc ngăn cản sự cởi áo của bộ gen virus, chuyển acid nucleic vào trong tế bào của vật chủ.
Tuy nhiên, việc sử dụng Amantadine giảm đáng kể, đồng thời việc sử dụng Rimantadine ngày càng bị giới hạn.
Các thuốc ức chế neuraminidase (Zanamivir, Oseltamivir và Peramivir)
Neuraminidase đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hoạt hóa các virus mới. Nếu không có Neuraminidase, virus cúm không thể giải phóng được ra khỏi những tế bào nhiễm bệnh, do đó việc phát triển các thuốc ức chế neuraminidase ngày càng được quan tâm.
Zanamivir
Zanamivir là dẫn chất của acid sialic, thuốc có tác dụng với đa số các chủng cúm A và cúm B, bao gồm cả những chủng đã kháng với Oseltamivir, Rimantadine, Amantadine.
Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế cạnh tranh và chọn lọc với enzyme neuraminidase từ đó tác động trực tiếp lên quá trình nhân lên của virus.
Biệt dược gốc: Relenza.
Oseltamivir
Oseltamivir có bản chất là một tiền chất, sau khi vào cơ thể sẽ được thủy phân tạo thành oseltamivir carboxylate – chất chuyển hóa có hoạt tính.
Cơ chế tác dụng của Oseltamivir carboxylate là ức chế chọn lọc enzyme neuraminidase từ đó ngăn cản sự giải phóng các hạt virus cúm mới, hạn chế sự xâm nhập và phát tán bệnh.
Các nghiên cứu in vitro cho thấy, Oseltamivir có tác dụng tốt trên cả virus cúm A và cúm B, thuốc cũng có tác dụng đối với virus cúm gia cầm type A.
Biệt dược gốc: Tamiflu.
Tên thương mại: Oseltamivir, Flustad 75,….
Peramivir
Peramivir được sử dụng để điều trị cúm cho người lớn và trẻ em từ 2 tuổi trở lên đã có các triệu chứng cúm trong tối đa 2 ngày.
Cơ chế tác dụng của thuốc là ngăn chặn enzym trong cơ thể giải phóng virus từ các tế bào nhiễm bệnh.
Biệt dược gốc: Rapivab.
Thuốc kháng virus Covid-19
Sử dụng thuốc kháng virus cho bệnh nhân mức độ nhẹ đến trung bình, nên sử dụng thuốc trong giai đoạn virus đang nhân lên đồng thời cần giảm tải số lượng virus có trong cơ thể.
2 nhóm thuốc sử dụng trong phác đồ điều trị Covid-19 bao gồm:
- Thuốc kháng virus phổ rộng (Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir).
- Kháng thể đơn dòng đặc hiệu với virus SARS-CoV-2.
Thuốc kháng virus phổ rộng
Thuốc kháng Covid Molnupiravir
Molnupiravir đã được FDA phê duyệt để sử dụng khẩn cấp cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ.
Liều dùng: Mỗi lần uống 800mg, ngày uống 2 lần. Thời gian điều trị là 5 ngày.
Favipiravir
Favipiravir đang được nghiên cứu để điều trị Covid-19, các dữ liệu về hiệu quả và độ an toàn của thuốc còn hạn chế.
Liều dùng: Mỗi lần uống 800mg, ngày uống 2 lần. Thời gian điều trị là 5 ngày.
Remdesivir
Là thuốc duy nhất được FDA phê duyệt để điều trị Covid-19.
Remdesivir được chỉ định cho bệnh nhân nội trú, suy hô hấp phải thở oxy với điều kiện khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày. Tuy nhiên, không sử dụng Remdesivir để điều trị đơn độc mà cần kết hợp với corticoid (ưu tiên sử dụng dexamethasone).
Liều dùng:
- Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi và cân nặng trên 40kg: Ngày đầu tiên sử dụng 200mg, những ngày sau dùng 100mg, truyền tĩnh mạch 1 lần trong 30-120 phút.
- Trẻ em dưới 12 tuổi, cân nặng từ 3,5 đến 40kg: Ngày đầu tiên sử dụng 5mg/kg cân nặng, các ngày sau 2,5mg/kg, truyền tĩnh mạch 1 lần trong 30-120 phút.
- Thời gian điều trị là 5 ngày.
Kháng thể đơn dòng đặc hiệu với virus SARS-CoV-2
Casirivimad + Imdevimad
Được FDA duyệt để sử dụng khẩn cấp trong điều trị Covid-19.
Chỉ định sử dụng cho bệnh nhân khởi phát bệnh dưới 10 ngày, mức độ bệnh nhẹ đến trung bình nhưng có nguy cơ tiến triển lên mức độ nặng.
Liều lượng được khuyến cáo là 600mg Casirivimad + 600mg Imdevimad, truyền tĩnh mạch 1 lần trong 30 phút, dùng liều duy nhất.
Bamlanivimad + Etesevimad
Được FDA duyệt để sử dụng khẩn cấp trong điều trị Covid-19.
Các biện pháp phòng bệnh do virus
Hiện nay, việc sử dụng vacxin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất, ngăn ngừa sự tấn công của virus. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu cần được lưu ý bao gồm:
- Chủ động khám và xét nghiệm khi thấy có dấu hiệu bất thường.
- Để hạn chế tình trạng lây lan, cần cách ly với những người xung quanh khi bản thân đã mắc bệnh.
- Rửa tay bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng.
- Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thường xuyên.
- Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Kết luận
Virus là tác nhân gây nên các bệnh truyền nhiễm cho cả con người và động vật. Do đó, việc tiêm vacxin và áp dụng các biện pháp phòng
bệnh là biện pháp tối ưu để ngăn ngừa lây nhiễm.
Tài liệu tham khảo
- Ruben Vardanyan và cộng sự (Thời gian phát hành 19 tháng 2 năm 2016). Antiviral Drugs. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2024 từ https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7149618/
- Gandhi R. T. (Thời gian phát hành năm 2021). The Multidimensional Challenge of Treating Coronavirus Disease 2019 (COVID-19): Remdesivir Is a Foot in the Door. Clinical infectious diseases: an official publication of the Infectious Diseases Society of America, trang e4175–e4178. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2024 từ https://doi.org/10.1093/cid/ciaa1132