Điểm tin nghiên cứu mới công bố (JAMA): Hiệu quả của nhóm opioid trong quản lý đau mạn tính không do ung thư
Một tổng quan hệ thống và một phân tích meta trên tạp chí JAMA (2018, 320, 2448) đã cung cấp các thông tin mới cho một chủ đề cũ đang được tranh luận rộng rãi: hiệu quả của nhóm opioid trong quản lý đau mạn tính không do ung thư.
Một tổng quan hệ thống và một phân tích meta trên tạp chí JAMA (2018, 320, 2448) đã cung cấp các thông tin mới cho một chủ đề cũ đang được tranh luận rộng rãi: hiệu quả của nhóm opioid trong quản lý đau mạn tính không do ung thư. Một nhóm chuyên gia quốc tế đã lựa chọn được từ y văn 96 thử nghiệm lâm sàng với 26000 người tham gia (61% phụ nữ tham gia, độ tuổi trung bình là 58 tuổi). Trong đó, có 25 nghiên cứu liên quan đến đau thần kinh, 32 nghiên cứu về đau nhận cảm, 33 nghiên cứu trên tình trạng đau do “kích thích trung tâm” (có sự hiện diện của cơn đau mà không có tổn thương mô) và 6 nghiên cứu về các loại đau khác nhau.
Khi so sánh với nhóm sử dụng giả dược (placebo), nhóm sử dụng opioid giúp làm giảm 6,9% tình trạng đau (tiêu chí nghiên cứu chính) khi đánh giá theo thang điểm quan sát trực quan và tăng 2% chức năng vận động theo thang điểm SF 36 PCS (thang điểm đánh giá tổng hợp các chức năng vận động thể chất, thường được dùng trong đánh giá chất lượng cuộc sống). Tuy nhiên việc sử dụng morphin và các dẫn xuất làm tăng 3,6% trong nguy cơ nôn so với sử dụng giả dược.
Các thử nghiệm lâm sàng có chất lượng thấp hơn cũng cho các kết quả tương tự của nhóm opioid trong giảm đau: 6% so với NSAID, 1,3% so với thuốc trầm cảm 3 vòng (imipraminin) và 9% so với thuốc chống co giật.
Các tác giả kết luận rằng :‘‘Trong các phân tích meta trên bệnh nhân có đau mạn tính không do ung thư, các nghiên cứu chất lượng cao cho thấy việc sử dụng opioid liên quan đến sự cải thiện yếu nhưng có ý nghĩa thống kê trong giảm đau và đối với chức năng vận động, nhưng đồng thời làm gia tăng mạnh nguy cơ nôn khi so sánh với giả dược. Các nghiên cứu chất lượng thấp hoặc trung bình cũng cho thấy kết quả tương tự trong hiệu quả giảm đau và cải thiện chức năng vận động khi so sánh giữa nhóm opioid với các lựa chọn thay thế không opioid’’.
Khi sử dụng trên bệnh nhân và trong những trường hợp đặc biệt, cần phải có các thông tin phù hợp, rõ ràng, thực tế và cân nhắc lợi ích nguy cơ của việc sử dụng morphin. Tuy nhiên nguy cơ phụ thuộc opioid vẫn còn chưa được tính đến trong điều trị. Tạp chí BIP Occitanie trước đây cũng từng đề cập đến vấn nạn lạm dụng opioid ở Hoa Kỳ và đã lan sang khu vực châu Âu.
Tài liệu: JAMA (2018, 320, 2448) – Opioids for Chronic Noncancer Pain – A Systematic Review and Meta-analysis
(https://jamanetwork.com/journals/jama/article-abstract/2718795)
Người tổng hợp: Vũ Đức Hoàn – Dương Khánh Linh – Trung Tâm Cảnh Giác Dược Quốc Gia.