Bác sĩ Võ Thị Minh Thư – Đơn nguyên Sơ sinh – Bệnh viện Mỹ Đức
Nghiên cứu mới cho thấy xét nghiệm vi RNA trong máu cuống rốn có thể báo hiệu nguy cơ mắc bệnh não thiếu oxy-thiếu máu cục bộ (HIE) sắp xảy ra ở trẻ sơ sinh, phương pháp này tiềm năng hơn so với các phương pháp chẩn đoán hiện tại.
Trong một nghiên cứu trên 160 trẻ đủ tháng, 2 vi RNA đặc hiệu (miR-374a-5p và miR-376c-3p) phân biệt cả trẻ sơ sinh bị ngạt chu sinh (PA) và trẻ sơ sinh mắc HIE từ trẻ sơ sinh khỏe mạnh.
Để tăng ứng dụng trên lâm sàng, các nhà nghiên cứu cũng xác định một vi RNA thứ ba (miR-181b-5p) có thể giúp xác định trẻ sơ sinh nào sẽ được hưởng lợi từ phuơng pháp điều trị hạ thân nhiệt.
Mong muốn một biện pháp điều trị HIE tốt hơn sau bị khi trẻ bị ngạt đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu tìm kiếm một xét nghiệm định lượng có độ tin cậy mạnh và phát hiện sớm để đưa ra quyết định điều trị trong vài giờ đầu sau khi sinh.
“Điểm số Apgar vẫn là phương pháp tốt nhất hiện tại của chúng tôi, nhưng mang tính chủ quan”, nhà nghiên cứu Deirdre M. Murray, Tiến sĩ, giáo sư tại Khoa Nhi và Sức khỏe Trẻ em, Đại học Cork, Ireland, phát biểu – “Các bác sĩ lâm sàng thấy khó dựa vào điểm số Apgar được chỉ định bởi người khác, đặc biệt là từ một trung tâm khác”.
Các chiến lược chẩn đoán HIE hiện tại bao gồm thang điểm Apgar, chỉ số lactate và kiềm máu, nhưng những “chỉ số này mang giá trị tiên đoán dương kém”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Ngoài ra, thang điểm Sarnat của HIE với điện não đồ có thể đánh giá chính xác khi được thực hiện sau 24 giờ sau sinh – nhưng điều đó có thể là quá muộn để bắt đầu điều trị.
“Mặc dù liệu pháp điều trị hạ thân nhiệt giúp cải thiện kết quả, nhưng nó chỉ hiệu quả nếu bắt đầu trong vòng 6 giờ sau sinh. Trong thời gian hạn hẹp này, trẻ sơ sinh cần được chẩn đoán, ổn định và chuyển sớm đến trung tâm làm mát”, Dierdre M. Murray nói – “Chúng tôi hiện đang bỏ lỡ khoảng 20% trẻ sơ sinh không được làm mát, vì chúng không được xác định chính xác chỉ dựa trên khám lâm sàng mà không có dấu hiệu sớm đủ tin cậy, không có các xét nghiệm định lượng, để hỗ trợ các quyết định lâm sàng”.
Các nhà nghiên cứu còn lưu ý, giá trị tiên đoán âm của miR-181b là 99%, nên có thể vi RNA này trở thành một công cụ hữu ích trong ứng dụng lâm sàng.
“Để kết luận, các dấu ấn sinh học mới được lựa chọn trong nghiên cứu này rất hứa hẹn, nhưng cần một nghiên cứu đoàn hệ khác lớn hơn để xác nhận rằng các vi RNA này là dấu ấn sinh học đáng tin cậy cho sử dụng lâm sàng”, Pospisilova – một tác giả khác nói thêm.
Nguồn: Cord Blood Test May Flag Neonatal Hypoxia Risk https://www.medscape.com/viewarticle/907372