Chỉ dấu sinh học protein về nguy cơ sinh non ở thai phụ bị hội chứng buồng trứng đa nang: Một Tổng quan hệ thống và Tích hợp dữ liệu Chỉ dấu sinh học.
Thai phụ bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có nguy cơ sinh non cao ít nhất 2 lần so với nhóm không bị PCOS, theo một tổng quan hệ thống năm 2011. Trước đây, nguy cơ sinh non ở bệnh nhân PCOS được cho là do liên quan đến vô sinh và điều trị vô sinh, làm tăng tỉ lệ đa thai. Tuy nhiên, sau khi phân tích loại bỏ yếu tố đa thai, nguy cơ sinh non ở bệnh nhân PCOS vẫn tồn tại.
Cơ chế sinh lý bệnh liên quan đến sinh non ở bệnh nhân PCOS vẫn chưa được hiểu rõ, một số giả thuyết bao gồm: tăng nồng độ estrone, cường insulin máu, đái tháo đường và tăng huyết áp là các đồng yếu tố.
Các nhà nghiên cứu người Anh đã tiến hành tìm kiếm các dữ liệu về các chỉ dấu sinh học proteomic (phân tích cấu trúc và chức năng protein) trong nỗ lực xác định cơ chế bệnh sinh của sinh non ở bệnh nhân PCOS. Các từ khoá được tìm kiếm gồm ‘‘proteomics’’, ‘‘proteomic’’, ‘‘preterm labour’’, ‘‘preterm birth’’, và ‘‘PCOS’’ hoặc ‘‘polycystic ovary syndrome’’. Không có nghiên cứu nào phân tích các chỉ dấu sinh học proteomic của sinh non trên bệnh nhân PCOS. Tuy nhiên, có một số nghiên cứu phân tích các chỉ dấu sinh học proteomic trên nhóm bệnh nhân sinh non và trên nhóm PCOS riêng. Nhóm sinh non có 9 nghiên cứu phù hợp tiêu chuẩn lựa chọn với 201 chỉ dấu sinh học được nghiên cứu. Nhóm PCOS xác định thêm được 32 chỉ dấu sinh học.
Các nhà nghiên cứu đã tích hợp 2 nhóm nghiên cứu trên và xác định được 6 chỉ dấu sinh học chung mà nhóm sinh non và nhóm PCOS đều có biểu hiện khác biệt so với nhóm chứng. Các chỉ dấu sinh học này gồm: Pyruvate kinase M1/M2, Vimentin, Fructose bisphosphonate aldolase A, Heat shock protein beta-1, Peroxiredoxin-1 and Transferrin.
PKM1/M2 tăng có liên quan đến khả năng phân hủy glycogen cao của bánh nhau. Vimentin liên quan đến cơ chế viêm và miễn dịch. Transferrin tăng trong phản ứng đáp ứng cấp tính và stress. Heat shock protein beta-1 tăng do stress oxy hoá, shock nhiệt, nhiễm trùng, viêm và thiếu máu cục bộ. Peroxiredoxin-1 tăng cũng là một biểu hiện của phản ứng miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu hi vọng bằng việc nghiên cứu 6 chỉ dấu sinh học proteomic trên nhóm sinh non bị PCOS trong tương lai, họ có thể xác định được cơ chế bệnh sinh và có biện pháp phòng ngừa thích hợp nguy cơ sinh non cho đối tượng PCOS.
Nguồn: Proteomic Biomarkers of Preterm Birth Risk in Women with Polycystic Ovary Syndrome (PCOS): A Systematic Review and Biomarker Database Integration. PLoS ONE 8(1): e53801. doi:10.1371/journal.pone.0053801. Link https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0053801
Tác giả: Nguyễn Khánh Linh – Nhóm nghiên cứu sinh non – Bệnh viện Mỹ Đức.