Bác sĩ Lê Khắc Tiến – BV Mỹ Đức
Tần suất béo phì gia tăng là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về sức khỏe. Một khảo sát gần đây tại Anh quốc cho thấy ¼ dân số nước này đang trong tình trạng béo phì (ở nam là 23.6% và nữ là 23.8%), với chỉ số khối cơ thể là ≥ 30 kg/m2. Nhìn chung, 50% số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hoặc đang thừa cân, hoặc béo phì. Có đến 20 – 40% phụ nữ tăng cân nhiều hơn khuyến cáo trong thời gian mang thai, khiến cho biến chứng ở mẹ và con gia tăng, bao gồm tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, nhiễm trùng, huyết khối, mổ lấy thai, thai lưu, sẩy thai, sinh non, dị tật thai.
Các chuyên gia cho rằng tiền sản là khoảng thời gian cửa sổ cơ hội để can thiệp vào vấn đề cân nặng của bà mẹ nhằm đưa đến những thay đổi hứa hẹn cho thai kỳ. Một trong số những can thiệp trên cân nặng của bà mẹ là can thiệp vào chế độ ăn và/hoặc sử dụng men vi sinh. Để làm rõ liệu chế độ ăn và men vi sinh có tác động tích cực đến kết cục thai kỳ, tác giả Okesene-Gafa và các cộng sự đã thực hiện một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng (RCT) 2×2 ở những phụ nữ BMI ≥ 30 kg/m2, mang đơn thai và không có đái tháo đường thai kỳ tại thời điểm thực hiện nghiên cứu. Những phụ nữ tham gia nghiên cứu mang thai trong khoảng tuần lễ thứ 12 đến 17 tuần 6 ngày được ngẫu nhiên chia thành hai nhóm: Nhóm những phụ nữ có can thiệp chế độ ăn uống (bao gồm 4 buổi đào tạo về dinh dưỡng thai kỳ do chuyên gia y tế cộng đồng hướng dẫn và nhắn tin hướng dẫn đến lúc sinh) hoặc nhóm được tư vấn chế độ ăn uống thường xuyên. Với viên uống bổ sung, một nhóm sẽ được sử dụng men vi sinh (gồm Lactobacillus rhammosus và Bifidobacterium lactis BB12) và nhóm còn lại sử dụng giả dược, cho tới lúc sinh. Phân tích dữ liệu thu được dựa trên hiệu chỉnh BMI nền của bà mẹ. Kết cục thai kỳ cũng được hiệu chỉnh dựa trên sắc tộc, giới tính và tuổi thai lúc sinh.
Tổng cộng 230 phụ nữ mang thai được lựa chọn trong khoảng thời gian tháng 4/2015 đến 6/2017, trong số đó 116 phụ nữ thuộc nhóm can thiệp chế độ ăn uống, 114 phụ nữ thuộc nhóm tư vấn chế độ ăn uống thường xuyên, 155 phụ nữ thuộc nhóm sử dụng men vi sinh và 115 ở nhóm giả dược. Các đặc điểm nhân khẩu học ở các nhóm tương tự nhau. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt giữa hai nhóm: nhóm can thiệp chế độ ăn uống với nhóm tư vấn chế độ ăn uống thường xuyên về (a) tăng cân quá mức trong thai kỳ – tương ứng hai nhóm lần lượt là 79/107 (73.8%) và 90/110 (81.8%) hoặc (b) cân nặng thai – tương ứng hai nhóm lần lượt là 3.575 và 3.612 gram, chênh lệch trung bình hiệu chỉnh (adjusted mean difference – adjusted MD) là -24 g. Cân nặng tương ứng giữa nhóm sử dụng men vi sinh và giả dược là 3.685 g và 3.504 g, chênh lệch trung bình hiệu chỉnh 107 g. Tổng cân nặng tăng trong thai kỳ ở nhóm can thiệp chế độ ăn uống thấp hơn ở nhóm tư vấn chế độ ăn uống thường xuyên (9.4 so với 11.4 kg, chênh lệch trung bình hiệu chỉnh là 1,76 kg, KTC 95%: 0,03 – 3,55). Ngoài ra không có sự khác biệt giữa hai nhóm ở các kết cục thai kỳ ở mẹ và con khác.
Mặc dù giáo dục chế độ ăn uống và men vi sinh không làm thay đổi số cân nặng tăng trong thai kỳ hoặc cân nặng thai nhi lúc sinh, phương pháp này cũng có liên quan đến giảm tổng số cân ở phụ nữ mang thai, nếu được duy trì liên tục, điều này rất có lợi cho sức khỏe của bà mẹ và thai nhi.
Nguồn: Okesene-Gafa, K. A., Li, M., Mckinlay, C. J., Taylor, R. S., Rush, E. C., Wall, C. R., … & Crowther, C. A. (2019). Effect of antenatal dietary interventions in maternal obesity on pregnancy weight-gain and birthweight: Healthy Mums and Babies (HUMBA) randomized trial. American Journal of Obstetrics and Gynecology.