Bác sĩ Nguyễn Mai An – Nhóm nghiên cứu sinh non – Bệnh viện Mỹ Đức
Vào năm 2012, hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG – American College of Obstetricians and Gynecologists) đã khuyến cáo trì hoãn kẹp cắt rốn 30-60 giây cho tất cả các trường hợp sinh non. Hiệp hội Sản phụ khoa Hoàng gia Anh (RCOG – Royal College of Obstetricians and Gynecologists) cũng khuyến cáo trì hoãn việc này cho các trường hợp sinh đủ tháng và non tháng khoẻ mạnh từ 2-5 phút sau sinh. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO – World Health Organization) cũng khuyến cáo kẹp cắt dây rốn chậm là chờ dây rốn ngừng đập hoặc từ 120-180 giây như là thực hành chuẩn trong chăm sóc trẻ sơ sinh không cần phải hồi sức tích cực.
Các bằng chứng hiện hữu đều cho thấy việc kẹp cắt dây rốn chậm ở trẻ non tháng giúp cải thiện tình trạng thiếu máu, nhu cầu truyền máu, giảm viêm ruột hoại tử và xuất huyết trong não thất bằng cách làm gia tăng lượng máu trong tuần hoàn trẻ.
Tuy nhiên, trong những tình huống cần hồi sức sơ sinh gấp thì việc kẹp cắt rốn chậm sẽ khó có thể thực hiện được.
Đây là 1 nghiên cứu RCT được thực hiện từ 18/4/2014 đến 5/6/2018 tại Bệnh viện Good Samaritan ở Cincinnati, Ohio, Hoa Kỳ trên 204 trường hợp được chia 2 nhóm (104 ở nhóm kẹp rốn chậm và 100 ở nhóm vuốt máu dây rốn), mục đích của nghiên cứu để so sánh hiệu quả của việc kẹp rốn chậm và “vuốt máu” (milking) dây rốn ở tuổi thai từ 23 0/7 đến 34 6/7 tuần.
Kết quả thu được từ nghiên cứu:
- Không có sự khác biệt về tỷ lệ truyền máu (15.5% so với 9.1%; P = 0.24), viêm ruột hoại tử (5.8% so với 3%; P = 0.49) và xuất huyết trong não thất (15.5% so với 10.1%, P = 0.35), và có vẻ thấp hơn ở nhóm được vuốt máu.
- Nhóm vuốt máu dây rốn có Hct cao hơn so với nhóm kẹp rốn chậm (6.2% so với 7.7%, P = 0.07) mặc dù không có ý nghĩa.
- Nồng độ đỉnh bilirubin và cần phải chiếu đèn là như nhau ở cả 2 nhóm.
Các tác giả sau nghiên cứu này rút ra được kết luận rằng việc vuốt máu dây rốn có thể là phương pháp chọn lựa thay thế cho kẹp cắt rốn chậm mà không làm tăng nguy cơ các biến chứng hay bệnh suất ở trẻ sơ sinh.
Nguồn: Delayed clamping versus milking of umbilical cord in preterm infants, a randomized controlled trial. Shirk, Samantha K. et al. American Journal of Obstetrics & Gynecology, Volume 220, Issue 1, S75 – S76.