Bốn ngày trước, ngày 18/10/2017, Hiệp hội thực phẩm và thuốc của Mỹ- FDA (The U.S. Food and Drug Administration) đã cấp phép cho Yescarta (tên thương mại của CAR-T cell therapies) được phát triển bởi Gilead Science, như một phương pháp chữa trị đối với một số bệnh ung thư.
Thử nghiệm lâm sàng được tiến hành trên 101 bệnh nhân ung thư máu (loại non-Hodgkin lymphoma) trong vòng 6 tháng. Đây là những bệnh nhân giai đoạn cuối, hoàn toàn hết hy vọng sống vì cơ thể không đáp ứng với hóa trị và xạ trị. Sau quá trình điều trị, 36% bệnh nhân trong số này được chứng nhận hoàn toàn không có dấu hiệu của tế bào ung thư (theo thông cáo báo chí của FDA, tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn là 51% (1)), và 82% bệnh nhân có khối u thu nhỏ lại ít nhất một nửa so với kích thước ban đầu.Tuy nhiên, hơn 40% phải chống trọi với các tác dụng phụ như hội chứng giải phóng cytokine (cytokine release syndrome) với các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, đau nhức…, sự suy giảm bạch cầu, và sự hiện diện của độc tố trong não. Hai bệnh nhân qua đời vì các biến chứng liên quan đến quá trình điều trị (2).
Với tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn khá cao, Yescarta thực sự là hy vọng cho các bệnh nhân ung thư máu, đặc biệt là những bệnh nhân đã hoàn toàn mất hy vọng từ các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, vì các tác dụng phụ nguy hiểm, FDA chỉ cấp phép điều trị cho các trường hợp đã thất bại với ít nhất 2 trong 3 liệu pháp điều trị chính thống (bao gồm phẫu thuật, hóa trị, và xạ trị). Đồng thời Gilead Science (công ty dược nắm giữ bản quyền của Yescarta) cũng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân sau quá trình điều trị.
Yescarta hoạt động như thế nào (3, 4)
Đây là phương pháp chữa trị ung thư bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch của người bệnh (Cancer Immunotherapy). Bệnh ung thư là một cuộc chiến giữa các tế bào ung thư và cơ thể người bênh. Vũ khí của cơ thể là hệ miễn dịch với các tế bào T-cells (một dạng của tế bào bạch cầu) có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, các tế bào ung thư lại có khả năng vô hiệu hóa các tế bào T-cells này, và dần dần đánh bại hệ miễn dịch. May mắn là các tế bào ung thư, tuy mạnh, vẫn để lộ điểm yếu là tiết ra các kháng nguyên đặc trưng (tumor specific antigen). Các kháng nguyên này như những “cái đuôi phản chủ”, có thể khiến các tế bào ung thư bị phát hiện và tiêu diệt. Yescarta cung cấp cho cơ thể các tế bào T cells thông minh và mạnh mẽ, có thể phát hiện “cái đuôi” kháng nguyên của tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. (Để hiểu thêm về phần này, người đọc có thể tìm hiểu trên Wikipedia với các từ khóa bằng tiếng anh tác giả đã cung cấp).
Phương pháp chữa trị bắt đầu bằng việc lấy mẫu máu của bệnh nhân, phân tách tế bào T-cells và biến đổi gene các tế bào này (genetic modify). Việc biến đổi gene giúp gắn vào trên bề mặt T-cells các thụ thể (hay đầu thu nhận) (receptor) được gọi là Chimeric Antigen Receptors hay CARs. Thụ thể này có 1 vùng bám dính (target-biding domain) giúp phát hiện và bám vào các kháng nguyên đặc trưng, “cái đuôi” của các tế bào ung thư, và một vùng kích hoạt (activation domain) chịu trách nhiệm kích hoạt tế bào T-cells khi đã bám vào kháng nguyên. Những CAR-T cells thế hệ mới còn có thêm những vùng “đồng kích thích” (costimulation domains) giúp tăng cường phản ứng của hệ miễn dịch. Các tế bào T-cells nguyên bản của cơ thể không có các thụ thể này, và vì thế không thể thắng trong cuộc chiến với các tế bào ung thư.
CAR-T cell sau khi được “thiết kế” xong, sẽ được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để nhân lên hàng trăm triệu bản. Sau đó hàng trăm triệu bản này sẽ được đưa ngược trở lại cơ thể bệnh nhân.
Ở trong cơ thể bệnh nhân, T-cells thông minh tiếp tục nhân lên rất nhiều lần. Với sự hướng dẫn của thụ thể, chúng sẽ đi tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư có “cái đuôi” kháng nguyên đặc hiệu. Một số lượng T-cells đủ lớn và đủ thông minh sẽ giúp tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư.
Nhược điểm của CAR-T cells
Đây là một phương pháp điều trị đầy triển vọng, thể hiện ở kết quả thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số hạn chế sau :
- Tính đặc hiệu : Vì phương pháp chữa bệnh dựa trên việc thiết kế các tế bào T-cells thông minh nên tính đặc hiệu rất cao. Một thụ thể (receptor) như một ổ khóa chỉ có được mở bởi một chiếc chìa khóa là kháng nguyên. Vì thế T-cells thông minh chỉ được thiết kế để chữa khỏi một loại ung thư duy nhất. Yescarta (phương pháp được cấp phép bởi FDA) được thiết kế để tương tác với protein CD19, là kháng nguyên của một số loại ung thư máu, vì vậy, Yescarta chỉ có thể chữa được bệnh ung thư máu (loại non-Hodgkin lymphoma). Ngoài ra, tế bào T-cells được lấy từ cơ thể người bệnh, nên mỗi người sẽ cần có một « loại thuốc sống-living drug » được thiết kế riêng. Hay nói cách khác, thuốc của người này không thể chữa bệnh cho người khác. Tính đặc hiệu này sẽ kéo theo các nhược điểm khác của phương pháp chữa trị là thời gian và chi phí.
- Hiện tượng mất kháng nguyên đặc hiệu : Như đã nói ở trên, kháng nguyên đặc hiệu (antigen) là « cái đuôi phản chủ », là điểm yếu của tế bào ung thư. Rất không may là những kháng nguyên này có thể mất đi theo thời gian, kéo theo sự mất tác dụng của tế bào T-cells thông minh.
- Thời gian : Thời gian để thiết kế được T-cells thông minh cho một người bệnh và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để nhân lên hàng trăm triệu bản có thể mất vài tuần. Tuy nhiên, gần đây một số phòng thí nghiêm công bố họ có thể hoàn thành việc này trong vài ngày (3).
- Chi phí: Đây có thể nói là nhược điểm lớn nhất của phương pháp chữa trị. Chi phí cho một lần chữa trị với Yescarta là 373.000 USD, tương đương khoảng 8.5 tỷ Việt Nam đồng. Tuy nhiên, chi phí này có thể đã bao gồm cả chi phí cho quá trình theo dõi và điều trị tại bệnh viện sau khi « sử dụng thuốc ». Khoản này, ở Mỹ, có thể lên đến vài chục nghìn đô cho một ngày. Nếu thực vậy thì chi phí cho việc thiết kế T-cells sẽ chỉ khoảng vài chục nghìn đô.
Người viết thậm chí lạc quan tin tưởng rằng, trong tương lai, nếu Việt Nam mua bản quyền và chịu trách nhiệm khâu thiết kế T-cells, chí phí chắc chắn sẽ chỉ còn vài chục triệu. Khoản tiền tuy không nhỏ với thu nhập trung bình của người Việt, nhưng có lẽ vẫn thấp hơn rất nhiều so với chi phí hiện nay cho một bệnh nhân ung thư ở Việt Nam.
Những nhược điểm kể trên của Yescarta đều đang được nghiên cứu khắc phục (trình bày dưới đây) và chắc chắn trong tương lai sẽ cho ra đời các phương pháp điều trị tiên tiến, ít đặc hiệu, và với chi phí thấp hơn nhiều.
Tương lai của CAR-T cells
Nhiều thế hệ mới của CAR-T-cells đang được khẩn trương nghiên cứu, với những cải tiến về tính đặc hiệu, nhờ đó giúp T-cells thông minh đối phó với hiện tượng mất kháng nguyên, giảm thời gian thiết kế, và giảm chi phí điều trị. Dưới đây là các hướng nghiên cứu đang được thực hiện (5):
- Thiết kế CAR-T cells có thể bám đồng thời vào nhiều kháng nguyên, giúp đối phó hiện tượng mất kháng nguyên, cũng như giúp chữa trị nhiều loại bệnh ung thư khác nhau.
- Thiết kế sẵn CAR-T cells từ người cho, thay vì từ bệnh nhân, để giảm thiểu thời gian chờ đợi và giảm tính đặc hiệu của phương pháp (không phải thiết kế riêng cho từng bệnh nhân).
- Thiết kế T-cells với chế độ « tắt-mở », để giảm thiểu tác dụng phụ.
Lưu ý : Yescarta không phải là phương pháp điều trị đầu tiên bằng T-cells được cấp phép bởi FDA. Cách đây 2 tháng (tháng 8 năm 2017), FDA đã cấp phép cho Kymriah của Novatis. Sau 3 tháng điều trị với Kymriah, 83% bệnh nhân (52/63) được công bố hết hoàn toàn tế bào ung thư. Tuy nhiên chi phí cho một lần điều trị với Kymriah là 475.000 USD, tương đương gần 11 tỷ VN đồng. Người đọc có thể tìm hiểu thêm về Kymriah ở link tham khảo số 5.
1. https://www.fda.gov/…/News…/PressAnnouncements/ucm581216.htm
2. https://www.statnews.com/2017/10/18/gilead-car-t-approval/
3. https://www.cancer.gov/about…/treatment/research/car-t-cells
4. https://labiotech.eu/car-t-therapy-cancer-review/
5. https://www.novartis.com/…/novartis-receives-first-ever-fda…
Người viết đã tra cứu nhiều nguồn tham khảo nhưng vẫn không thể khẳng định chắc chắn đây là phương pháp chữa trị đầu tiên giúp đẩy lui hoàn toàn bệnh ung thư. Đã có nhiều loại thuốc được cấp phép trước đó cho bệnh nhân ung thư, nhưng đều chỉ nhắc đến “objective response rate”, tức là khả năng đáp ứng thuốc- đo bằng sự giảm kích thước của khối u. Chỉ có phương pháp trình bày dưới đây là được dùng cụm từ “complete remission rate” hay “all signs of cancer disappeared”, “complete response”… có thể hiểu là khỏi bệnh hoàn toàn. Nếu các bạn có thể khẳng định hay phủ nhận đây là phương pháp đầu tiên chữa khỏi bệnh ung thư, xin chỉ giúp.
(Người viết không chịu bất cứ trách nhiệm gì các thông tin đưa trong bài. Đây không phải là chuyên môn chính của người viết, nên mặc dù đã rất cố gắng, bài không thể tránh khỏi sai sót. Rất mong nhận được sự góp ý của các bạn).