THI NAPLEX Ở MỸ LÀ GÌ ??

THI NAPLEX Ở MỸ LÀ GÌ ??

Kể sơ qua mấy nội dung chính trong kỳ thi NAPLEX, tức kỳ thi chuyên môn ngành Dược cho các DS mới ra trường ở Mỹ ( cho cả các dược sĩ ngoại quốc đã lấy chứng chỉ Tương Đương FPGEE ).

Đây là một kỳ thi quan trọng nhất công nhận khả năng chuyên môn của người DS có giá trị hành nghề trên tất cả 50 tiểu bang của Mỹ ( California mới công nhận vào năm 2004 ).

Luật pháp Mỹ thay đổi liên tục nên những quy định và cách thi, cách tính điểm của NAPLEX cũng đã thay đổi rất nhiều. Để em nào có ý định qua Mỹ kiếm cơm hoặc em nào có con cháu đang học Dược có thể biết nội dung, xin nói ngắn gọn chút : Muốn thi NAPLEX ( North American Pharmacist Licensure Examination ) thí sinh phải liên lạc nộp đơn đóng lệ phí cho Pharmacy Board của tiểu bang mình muốn hành nghề. Cần hỏi ngay tiểu bang này để xem mình có đủ điều kiện họ yêu cầu không, và cần làm những gì trước khi được chấp thuận cho thi. Các SV đang học trong các trường Dược ( như con gái Thông, hay con vài bạn khác…) đều được trường hướng dẫn chuyện này, bố mẹ anh chị chẳng phải lo. Cho tới năm 1997, kỳ thi NAPLEX vẫn còn làm trên giấy ( paper test ) nên tương đối dễ. Thí sinh cứ đọc, câu nào dễ làm trước, xong quay trở lại làm tiếp những câu khó hơn hoặc những câu cần làm toán mất thời giờ. Cứ thế chạy lên chạy xuống cho tới khi hoàn tất (…nói thêm, có nhiều câu mình hoàn toàn không hiểu họ hỏi cái gì thì tùy nghi úm ba la thôi…cái này thì ai cũng rành !).

Từ năm 1997 họ chuyển qua cho thi trên computer ( Computer adaptive test ). Cái vụ này là rắc rối đây ( số điên đi đâu cũng gặp chuyện điên ). Trước ngày thi chừng 1 tuần mình nhận được giấy báo thi, địa chỉ phòng thi, giờ giấc…nói chung là như tất cả kỳ thi trên cõi đời này. Thí sinh bị cấm đủ thứ : cấm mang bút các loại vào phòng thi, cấm mang bất cứ giấy gì vào phòng thi, cấm mang túi xách ( phụ nữ ), cấm mang ví da nam giới đựng các loại thẻ credit, cấm mang máy tính cá nhân ( calculator )….tất cả phải để bên ngoài, chỉ mang cái xác phàm tục này với cái ID ( hoặc passport ) + giấy báo danh ( admission ticket ). Thế thôi nhé, cần bút viết, giấy làm nháp…thì hỏi xin giám thị phòng thi ( cha giám thị nào cũng mặt sắt lạnh lùng khó ưa ). Lại còn chuyện này nữa : cấm không được đi restroom trong suốt hơn 4 tiếng đồng hồ ngồi thi. Ai “bức xúc” quá không nhịn nổi thì báo ngay cho proctors, họ sẽ đến put your work screen on hold, hộ tống bạn đến cửa phòng restroom bằng cặp mắt cú vọ, đợi bạn xong xuôi họ sẽ hộ tống bạn về chỗ ngồi và reactivate màn hình của bạn. Khoảng thời gian mất do đi ngoài thì bạn ráng chịu. Lúc đi thi, mình còn khỏe mạnh ngon lành, không cần đi ngoài cho mất thì giờ. Nhưng kẹt nỗi sáng hôm đi thi mình đã chơi 1 ly cà phê Starbucks tổ chảng để khỏi buồn ngủ nên suốt mấy tiếng ngồi làm bài cứ thấy bụng căng cứng khổ sở. Đến khi xong bài, sign out đứng dậy thì…mô phật, không dám kể tiếp ở đây nữa. Kinh nghiệm rút ra: Đi thi bản chất là đã căng thẳng rồi, làm gì buồn ngủ mà lại uống cà phê cho thêm chuyện rắc rối.

Khi vào phòng thi, sẽ thấy mỗi chỗ ngồi có 1 computer có vách ngăn riêng từng người ( tựa như mấy anh hải quan VN ở sân bay vậy ). Làm bài bí chỗ nào thì tịt chỗ đó, chả nháy nhó hỏi gì được hai người xung quanh. Lý do đơn giản là 2 mạng đó đang thi môn khác, nghề khác, chả dính dáng gì tới pharmacy của mình. Đây là phòng computer cho tất cả các loại thi, kể cả TOEFL. Thế nên khi mới bước chân vào trình diện, mình đưa thẻ báo danh để người phụ trách biết mình thi môn ngành nghề nào, họ sẽ lấy cái software đó bỏ vào máy mình, and you’re on your own now !

Cách thi, cách chấm điểm cũng kỳ cục khó hiểu. Họ cho 185 câu, làm trong 4 giờ 15 phút, và cho biết trong 185 câu bài làm này có 30 câu không tính điểm được trộn lẫn vào trong bài thi mà thí sinh không thể biết được. Đó là những câu còn trong vòng nghiên cứu ( trial balloon questions ) họ trộn vào để thí sinh bắt buộc phải làm để họ nghiên cứu đưa vào bài thi cho những lần ra đề sau này.

Khi làm bài, thí sinh bắt buộc phải đi theo thứ tự từng câu set up sẵn trên màn hình, phải click vào kết quả xong màn hình mới cho đi qua câu kế tiếp. Vậy nên không còn cái vụ rà tìm câu dễ làm trước câu khó làm sau và cuối cùng tịt ngòi quá thì quệt đại, xưa rồi Diễm…Lại còn cái nạn này nữa : họ cho biết câu hỏi nhảy lên màn hình cho từng người là khác nhau dựa vào khả năng trả lời những câu hỏi trước đó (the delivery of questions was modified based on the response of the test taker and questions on a specific subject may have increased or decreased in difficulty as the test progressed ). Computer sẽ nhận định trình độ thí sinh qua các câu trả lời, qua các lãnh vực đã làm để quyết định nhảy ra câu dễ hơn hoặc câu khó hơn ! ( Vậy điểm chấm sao ta ?? ).

Đó là chuyện đời xưa hồi tôi nhảy subway ra Boston đi thi NAPLEX gần 20 năm trước.

Bây giờ là thời sự mới cho các baby Pharmacists đây: Từ năm 2016 số câu hỏi tăng từ 185 câu lên 250 câu, thời gian làm bài từ 4 giờ 15 phút lên 6 giờ đồng hồ. Trong 250 câu này cũng có khoảng 50 câu không tính điểm, nhưng thí sinh không biết là những câu nào, cứ phải chúi mũi làm tất. Vậy nên họ nói trước : Nếu bạn làm sai nhiều câu không có nghĩa bạn sẽ thiếu điểm và nếu bạn thấy bạn trả lời rất ngon lành cũng chưa chắc bạn đủ điểm đậu. Và họ giải thích thêm: điểm thi đậu ( passing scores ) không phải tổng số điểm các câu làm đúng theo lối chấm thi cổ điển. Nó là điểm tính theo thang điểm ( scaled score ), và bạn chỉ cần biết bạn phải đạt ít nhất 75% trên thang điểm thì bạn pass, không đủ thì đóng tiền thi lại sau ít nhất 45 ngày. Và tối đa bạn chỉ được thi 5 lần thôi. Muốn thi lần thứ 6 thì phải có special permission của hội đồng thi.

Nội dung 250 câu hỏi được phân bổ vào 2 lãnh vực :

– Điều trị Dược lâm sàng ( Safe and Effective Pharmacotherapy )- chiếm 67% ).
– Bào chế, Cấp phát, Quản lý Dược và các vấn đề khác ( Preparation, Compounding, Dispensing and Administration of

Medications and Provision of Health Care Products ) – chiếm 33%.

Các câu hỏi sẽ ở dạng multiple choice, click chọn trả lời trên đồ hình ( charts ), xác định đúng vị trí tiêm chích, vị trí tác dụng của receptors….Họ không bắt bình luận trên các essays. Các câu hỏi mới cũng sẽ theo tiêu chuẩn cố định bình thường như các test trước đây, – pre-assembled linear format (standardized delivery for all test-takers), bỏ hẳn việc cho câu hỏi tăng giảm độ khó theo khả năng từng thí sinh .

Điểm đậu vẫn là ít nhất 75 trên thang điểm ( tabulated or scaled score ). Họ giải thích đây là cách tính điểm đặc biệt dựa vào một phương pháp toán học do chính NABP ( National Associations of Boards of Pharmacy ) phát triển ứng dụng.
Đến đây thì tôi chào thua không hiểu kết quả thi đậu phản ảnh cái gì. Chỉ cần biết họ gởi giấy tới có hàng chữ Congratulations….là đủ rồi, là biết đậu rồi, điểm cao thấp đâu ăn thua chi…Rồi cầm tờ giấy báo thi đậu khoe cho mọi người trong nhà, được thưởng mấy cái chụt chụt, chiều tối dắt nhau đi restaurants xả láng cho bù bao nhiêu năm trời học hành căng thẳng chay lạt….

Đính kèm là giấy báo passing score của NAPLEX và Pharmacy Law năm 2002 đã nằm trong viện bảo tàng gia đình.

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *