Case lâm sàng
Bệnh nhân nam, 17 tuổi, được đưa vào khoa cấp cứu trong tình trạng rối loạn tâm thần sau khi được cha mẹ phát hiện ở sân trước nhà hàng xóm. Bệnh nhân tự khai đã sử dụng một lượng lớn rượu trong vòng vài giờ trước ở nhà bạn nhưng không dùng bất cứ chất gây nghiện nào. Không có ý tưởng hay hành vi tự sát. Không nôn, không tiêu chảy, không khó thở.
Theo lời kể của cha mẹ, gần đây bệnh nhân có biểu hiện “điên khùng” hơn và hành xử bất thường khi ở nhà cũng như ở trường trong vòng 6 tháng trở lại đây. Điểm số cũng sa sút. Bệnh nhân dành thời gian ở cùng một nhóm bạn mới và hai tuần trước còn tham gia đánh lộn.
Khám thấy thân nhiệt là 36,5 độ C, huyết áp 100/62 mmHg, nhịp thở 10 lần/phút, bão hoà oxy là 98% (tự thở khí trời). Niêm mạc không khô, không chảy nước dãi.
Tri giác: kích thích, lú lẫn, định hướng được người nhưng không xác định được không gian hay thời gian. Ngôn ngữ lộn xộn, miệng có mùi rượu. Đồng tử hai bên như đầu đinh ghim, không có rung giật nhãn cầu. Kết mạc sung huyết. Cổ mềm. Gọi có làm theo lệnh nhưng đáp ứng vận động chậm và phối hợp động tác kém. Không có dấu hiệu bên ngoài của chấn thương đầu hay ban trên da. Khi ngủ nhịp thở bệnh nhân giảm còn 6 lần/phút.
Đường máu mao mạch đầu ngón tay là 4 mmol/L (giá trị tham chiếu 3,9-5,8).
Ngoài việc kiểm soát đường thở và đặt đường truyền tĩnh mạch, tiếp theo cần dùng thuốc gì cho bệnh nhân?
A. Lorazepam
B. Flumazenil
C. Naloxone
D. Fomepizole
E. Pralidoxime
Đáp án: sẽ đăng trong thời gian sớm nhất.
Đáp án: C.
Điểm then chốt: điều trị ban đầu phù hợp nhất ở một bệnh nhân vị thành niên say rượu, kiệt sức, suy hô hấp và đồng tử co nhỏ là naloxone.
Giải thích chi tiết:
Ở bệnh nhân ngộ độc ethanol cấp, rối loạn trạng thái tâm thần và suy hô hấp, cần nghĩ đến trường hợp ngộ độc các thuốc khác dù khi hỏi bệnh hoặc thăm khám không khai thác được rõ ràng. Điều trị ban đầu phù hợp nhất ở bệnh nhân này cần hướng tới giải quyết tình trạng suy hô hấp.
Tình trạng ngộ độc opioid gây suy hô hấp có thể nhanh chóng giải quyết bằng naloxone, đây là một chất đối kháng thụ thể opioid. Naloxone có tác dụng ngắn, nên có thể cần cho liều lặp lại. Trong khi đó, cần tiến hành các xét nghiệm độc chất trong huyết thanh và nước tiểu. Xét nghiệm salicylate và acetaminophen có vai trò quan trọng vì đây thường là các chất có nguy cơ độc tính cao.
Nếu bệnh nhân sử dụng rượu cùng với một opioid dạng giải phóng kéo dài hoặc tác dụng kéo dài, rượu có thể làm tăng tốc độ giải phóng opioid khỏi dạng dược chất giải phóng kéo dài đã dùng. Hiện tượng này đôi khi được gọi là “phá liều” (dose dumping) và có thể gây quá liều opioid, tức là một liều lớn opioid đáng lẽ được hấp thụ trong thời gian dài nay lại được hấp thu một cách nhanh chóng. Thêm nữa, rượu có thể làm tăng nguy cơ quá liều opioid do tác dụng ức chế hô hấp.
Lorazepam có thể sử dụng để kiểm soát triệu chứng cai rượu hoặc ngộ độc cấp cocaine. Tuy nhiên, bệnh nhân này không có triệu chứng của các tình trạng trên, đồng thời sử dụng một benzodiazepin được cho là sẽ làm nặng tình trạng suy hô hấp.
Flumazenil được dùng để đảo ngược tác dụng của benzodiazepine. Tuy nhiên nhiều bằng chứng cho thấy thuốc này giải chỉ quyết suy hô hấp một cách không ổn định, và có thể làm giảm ngưỡng gây co giật.
Fomepizole, một thuốc ức chế alcohol dehydrogenase, là một chất giải độc trong ngộ độc ethylene glycol hoặc methanol. Thuốc ức chế chuyển hoá ethylene glycol hoặc methanol thành các chất độc. Ethylene glycol và methanol có mặt trong nhiều hoá chất, dung môi và chất chống đông băng công nghiệp, nhưng ít được người vị thành niên và thanh niên sử dụng làm chất kích thích.
Pralidoxime là chất giải độc trong ngộ độc phospho hữu cơ. Phospho hữu cơ gây hội chứng ngộ độc được tóm gọn lại trong cụm từ DUMBBELS (đại tiện – defecation, tiểu tiện – urination, co đồng tử – miosis, tăng tiết phế quản – bronchorrhea, co thắt phế quản – bronchospasm, nhịp tim chậm – bradycardia, nôn mửa – emesis, chảy nước mắt – lacrimation, và chảy nước dãi – salivation).
Tài liệu tham khảo:
Legano L. Alcohol. Pediatr Rev 2007 Apr 3; 28:153.
Sugarman JM and Paul RI. Flumazenil: a review. Pediatr Emerg Care 1994 Feb 1; 10:37.
Kraut JA and Mullins ME. Toxic alcohols. N Engl J Med 2018 Jan 18; 378:270.
Brent J. Fomepizole for ethylene glycol and methanol poisoning. N Engl J Med 2009 May 21; 360:2216.
Nackers KA et al. Substance abuse, general principles. Pediatr Rev 2015 Dec; 36:535.
Walden M et al. The effect of ethanol on the release of opioids from oral prolonged-release preparations. Drug Dev Ind Pharm 2007 Oct; 33:1101.
Nguồn: NEJM