Thêm bằng chứng cho thấy tuyến tụy nhân tạo an toàn và hiệu quả

Thiết bị lai ghép

Điểm nghiên cứu mới công bố (NEJM): Thêm bằng chứng cho thấy tuyến tụy nhân tạo an toàn và hiệu quả

Năm 2016, FDA đã phê duyệt hệ thống phân phối insulin vòng kín lai ghép đầu tiên (tụy nhân tạo) cho người lớn và thanh thiếu niên mắc đái tháo đường type 1; năm 2018, giới hạn độ tuổi sử dụng được hạ xuống cho trẻ từ 7 tuổi. Thiết bị này bao gồm một máy đo nồng độ glucose liên tục được liên kết với một bơm insulin giúp cung cấp liều insulin nền, tốc độ của bơm này được điều chỉnh liên tục và được tối ưu hóa bằng thuật toán; bệnh nhân vẫn phải tự tiêm liều bolus sau ăn. Các hệ thống vòng kín đã giúp cải thiện kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 nội trú và ngoại trú, nhưng hầu hết các nghiên cứu trước đây có quy mô còn nhỏ và được thực hiện trong thời gian ngắn. Trong năm 2018, một số nghiên cứu mới được công bố cho thấy công nghệ ghép tụy nhân tạo có thể mang lại lợi ích cho cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú.

Trong ấn bản NEJM Journal Watch (General Meidicne) Year in Review 2018, các Editor của tạp chí đã tổng hợp kết quả từ những nghiên cứu nổi bật trong năm 2018 về việc sử dụng tuyến tuy nhân tạo và dữ liệu cho thấy tuyến tụy nhân tạo có thể đêm lại lợi ích cho bệnh nhân tiểu đường

Trong một nghiên cứu phân nhóm ngẫu nhiên trên bệnh nhân ngoại trú lớn nhất cho đến nay về kĩ thuật vòng kín thực hiện năm 2018, 86 bệnh nhân ngoại trú ĐTĐ type 1 bao gồm cả trẻ em và người lớn được lựa chọn ngẫu nhiên để điều trị bằng kĩ thuật vòng kín hoặc liệu pháp dùng bơm được hỗ trợ cảm biến (nhưng vẫn do người dùng kiểm soát) trong 12 tuần. Kết quả, bệnh nhân sử dụng hệ thống vòng kín có nồng độ glucose trong khoảng từ 70 – 180 mg/dL trong thời gian dài hơn và nồng độ HbA1c thấp hơn so với nhóm đối chứng. Tần xuất xảy ra hạ đường huyết là như nhau ở cả 2 nhóm (NEJM JW Gen Med ngày 1/12 and Lancet ngày 13/10; 392:1321).

Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành một phân tích gộp 40 thử nghiệm lâm sàng trên hơn 1000 bệnh nhân ngoại trú ĐTĐ type 1 được phân nhóm ngẫu nhiên để sử dụng hệ thống vòng kín hoặc dùng các phương thức tiêm insulin khác. So với các nhóm đối chứng, bệnh nhân sử dụng vòng kín có có số lần duy trì đường huyết ở mức gần bình thường (70 – 180 mg/dL) nhiều hơn và số lần tăng thời gian đường huyết ở khoảng tăng/ hạ đường huyết ít hơn; đồng thời có nồng độ HbA1C thấp hơn đáng kể (NEJM JW Gen Med ngày 1/7 and BMJ ngày 18/4; 361:1310).

Thiết bị lai ghép
Thiết bị lai ghép

Trên các bệnh nhân nội trú, một nghiên cứu đã phân nhóm ngẫu nhiên 136 bệnh nhân cần sử dụng insulin tiêm dưới da, một nhóm được điều trị bằng hệ thống vòng kín (không dùng liều bolus), nhóm kia được tiêm insulin thông thường trong 15 ngày. Cũng như các nghiên cứu trên, bệnh nhân dùng hệ thống vòng kín có tổng thời gian đạt đường huyết mục tiêu (100 – 180 mg/dL) lớn hơn và nồng độ glucose trung bình thấp hơn nhóm đối chứng; đáng lưu ý rằng không có sự khác biệt giữa 2 nhóm trong tổng liều insulin hàng ngày và tổng số thời gian hạ đường huyết (NEJM JW Gen Med ngày 1/8 và N Engl J Med ngày 9/8; 379:547).

Có thể hơi quá lời khi gọi hệ thống vòng kín là tuyến tụy nhân tạo bởi bệnh nhân vẫn phải tiêm liều bolus, và thiết bị này vẫn còn khá đắt. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu trên đã chứng minh hệ thống vòng kín sẽ sớm cải thiện việc kiểm soát đường huyết và đơn giản hóa cuộc sống cho những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.

Nguồn: https://www.jwatch.org/na48078/2018/12/27/nejm-journal-watch-general-medicine-year-review-2018

Người tổng hợp: Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn Phương Thảo – Trung Tâm Cảnh Giác Dược Quốc Gia.

 

 

 

 

 

 

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *