ADVERSE REACTION

ADVERSE REACTION

Hôm nay mình dành thời gian đính chính và làm rõ hơn chuyện ADVERSE REACTION mà mình đã bị một bạn sửa lưng ngày hôm trước.

Vì bài viết này mang hơi hướng chuyên ngành hơi khô khan một chút nên mình xin kể một câu chuyện cười trước cho đỡ buồn ngủ hen.

Ở xóm nọ, có ba anh em ruột ở chung với nhau. Người anh lớn bán dù, người thứ hai bán nón, còn người em út bán kem. Sau vài năm buôn bán và so sánh thu nhập họ để ý thấy một chuyện rất lạ. Đó là cứ mỗi khi thu nhập của người bán nón tăng thì thu nhập của người bán kem cũng tăng theo còn thu nhập của người bán dù lại giảm đi. Ngược lại, cứ mỗi khi thu nhập của người bán dù tăng lên thì thu nhập của cả hai người bán nón và bán kem đều giảm xuống.

Một hôm người anh hai bán dù sau cả tuần liên tiếp ế ẩm nên nổi khùng chửi hai ông em: “Tại tụi bây dụ dỗ mà người ta đổ xô đi mua nón với mua kem rồi không thèm mua dù của tao. Bữa sau đi chỗ khác bán đi. Đừng có xớ rớ lại gần tao”

Hai ông em cũng không vừa: “Anh đừng có vô duyên. Ỷ làm anh rồi muốn nói gì thì nói hả?”

Cãi nhau rần rần một chập không ai chịu ai nên cả ba mới quyết định cá độ với nhau. Họ cá rằng ngày hôm sau hai người em nghỉ ở nhà nhậu với nhau, để một mình ông anh bán dù đi làm thôi. Nếu như anh ta vẫn không bán được cây dù nào thì đó không phải là lỗi của hai người em.

Sáng hôm sau, người anh hớn hở đi làm lòng thầm nghĩ hôm nay thế nào cũng buôn may bán đắt vì đã bắt hai thằng ôn vật ở nhà được rồi. Nhưng anh ta chờ mãi, chờ mãi cũng không thấy ai đến mua dù. Đến tối, anh ta tiu nghỉu về nhà nói với hai người em: “Ờ, tụi bây đúng rồi. Lỗi không phải của tụi bây”
Hai người em đang ngồi nhậu đắc thắng cụng ly với nhau rôm rốp. Người bán nón mới nói với người bán kem:

“Mày thấy không. Tao nói rồi mà. Giờ thằng chả hết cãi ngang rồi.”

“Ờ, anh ba hay quá chừng. Từ giờ về sau mình phải liên kết lại. Đừng để thằng chả bắt nạt nữa”

“Đương nhiên rồi. Phải liên kết lại mới làm ăn được chớ. Cũng nhờ người ta mua nón của tao nên mới quay sang mua kem của mày mà. Mai mốt nhớ trả hoa hồng cho tao nha”

“Anh ba nói gì kỳ vậy. Tại người ta ăn kem của em xong nên mới quay sang mua nón của anh ba mới đúng chớ”

“Bậy mày. Tụi nó mua nón trước mới đi ăn kem”

Vậy là hai ông em cãi nhau rần trời thêm một chập nữa rồi cuối cùng quyết định cá độ thêm một lần nữa. Họ cá rằng bây giờ hai người chia nhau đi bán. Ngày hôm nay thì người này bán rồi ngày mai thì người kia bán rồi so sánh thu nhập coi sao.

Ngày đầu tiên, ông anh ba mang nón ra bán đến tối về cười ha hả thảy một cọc tiền trước mặt ông em.

“Thấy chưa con. Mày xạo hả? Người ta mua nón của tao rần trời đâu có cần tới ba cây kem toàn đường hóa học của mày đâu. Chết mày chưa. Ngày mai không có tao bán nón là ăn kem trừ cơm nghen con”

Ngày hôm sau ông em út hậm hực đẩy xe kem đi bán nhưng bán chưa đến chiều thì đã đẩy xe kem rỗng không về cười ha hả thảy một cọc tiền trước mặt ông anh ba.

“Ông thấy chưa. Tui bán hết kem luôn rồi nè. Ai mà cần ba cái nón của ông đâu mà ông xạo xạo với tui”

Ông anh hai nhìn thấy vậy mới gãi đầu: “Ủa sao kỳ vậy cà? Vậy cuối cùng là tại sao cứ mỗi lần tao không bán được dù thì tụi bây lại bán được nón với kem còn lúc tao bán được dù thì tụi bây lại ế chỏng trơ? Hay ông bà phù hộ mấy anh em mình để lúc nào cũng có thằng kiếm ra tiền cho không bị chết đói?”
Ba người đang ngồi trầm tư suy nghĩ thì dì Sáu hàng xóm phe phẩy quạt qua chơi. Nghe hết câu chuyện dì xoay ngược cán quạt đập vô đầu ba anh em mỗi người một cái:

“Bà nội cha ba cái thằng khùng. Tụi bây không thấy mấy bữa nay trời nắng nóng thấy mụ nội hả? Mà trời nắng thì người ta khoái ăn kem với mua nón đội chứ ai mà mua dù làm chi. Bởi vậy thằng Ba với thằng Tư mới bán được nón với kem còn thằng Hai ế chỏng gọng là đúng rồi. Còn lúc trời mưa thì lạnh thấy bà thì ai đi mua kem ăn làm gì, với lại đi mua nón đội cho nó ướt nhẹp hả? Lúc đó người ta mới đi mua dù nên thằng Hai mới bán được dù còn thằng Ba với thằng Tư mới bị ế đó. Hiểu chưa mấy thằng ông nội?”

Cả ba anh em lúc đó mới vỡ lẽ.

Thật ra cả ba anh em mấy ngày vừa qua đã làm một loạt các nghiên cứu thống kê. Số lượng mũ đội đầu, số lượng dù, và số lượng cây kem bán được có mối liên hệ correlation với nhau thì rõ rồi. Vì cứ mỗi khi số mũ đội đầu và số cây kem bán ra tăng thì số lượng dù giảm và ngược lại mỗi khi số lượng mũ đội đầu và số cây kem bán ra giảm thì số lượng dù bán ra lại tăng lên. Lúc nào cũng vậy, 1 năm, 5 năm, hay 10 năm sau nó vẫn là như vậy.

Nói tiếp thêm chút nữa về thống kê cho bạn nào tò mò.

Người ta xác định độ mạnh yếu của mối quan hệ correlation bằng hệ số tương quan (correlation coefficient), có ký hiệu là r. Hệ số r có giá trị từ -1 đến 1.

Số lượng mũ và số lượng kem bán ra có mối liên hệ correlation với hệ số r dương vì chúng tăng cùng tăng và giảm cùng giảm với nhau.

Số lượng kem và số lượng dù bán ra có mối liên hệ correlation với hệ số r âm vì khi cái này tăng thì cái kia giảm và ngược lại.

Nếu r càng gần với 0 thì mối liên hệ correlation càng yếu.
Nhưng mà kem, dù, và mũ lại không có mối liên hệ causation với nhau.

Tại sao chúng ta biết được điều đó?

Vì chúng ta vừa mới quan sát ba anh em làm một loạt các nghiên cứu để xác định nó. Các nghiên cứu của họ làm là những nghiên cứu đối chứng (controlled studies).

Tại sao lại gọi là đối chứng?

Vì họ so sánh hai nhóm người để đối chứng với nhau.

Ngày thứ nhất, người anh lớn so sánh nhóm người không mua nón và không ăn kem vào ngày hôm đó do hai người em không đi bán với nhóm người có mua nón và có ăn kem ở những ngày trước đó để đối chứng. Và anh ta nhận ra là cả hai nhóm người này đều chẳng ai thèm mua dù của anh ta cả. Do đó, cái chuyện người ta có ăn kem và mua nón hay không chẳng liên quan gì đến chuyện mua dù cả.

Ngày thứ hai, người anh thứ hai so sánh nhóm người không ăn kem vào ngày hôm đó do người em út không đi bán với nhóm người có ăn kem ở những ngày trước đó và nhận ra là cả hai nhóm người này vẫn mua nón của anh ta đều đều. Do đó, anh ta rút ra kết luận là cái chuyện người ta có ăn kem hay không thì cũng chẳng liên quan gì đến chuyện mua nón cả.

Ngày thứ ba, người em út so sánh nhóm người không mua nón ngày hôm đó do người anh thứ hai không đi bán với nhóm người có mua nón ở những ngày trước đó và nhận ra là cả hai nhóm người này vẫn cứ mua kem của anh ta ăn ào ào. Do đó, anh ta rút ra kết luận là cái chuyện người ta có mua nón hay không thì cũng chẳng liên quan gì đến chuyện ăn kem cả.

Cuối cùng họ nhận ra là chẳng có cái gì gây ra cái gì cả. Cả ba không có cái nào có mối liên hệ causation với cái nào. Đến khi dì Sáu đi qua giảng giải thì ba anh em mới biết là cả ba cái dù, kem, và nón đều có mối liên hệ causation với một yếu tố mà họ không phát hiện ra được: đó là thời tiết.

Thực tế cơ thể con người còn phức tạp hơn rất nhiều lần so với mấy cái dù, kem, nón nữa nên các nhà khoa học cứ phải thực hiện hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác để phát hiện ra những mối quan hệ kiểu này. Chứ không có ai lý luận theo cái kiểu là “Trẻ mới sinh ra không ăn uống gì hết, chỉ bú sữa mẹ và chích vaccine thôi nên tất cả các loại bệnh khỉ gió gì đó đều là do vaccine hết” như các thánh đâu.

Rồi, bây giờ mình quay lại vụ Adverse Reaction nhen.

Đây là phần mình nhầm lẫn và đã bị sửa lưng ngày hôm trước. Mình viết lại nhưng sẽ giữ nguyên bài viết gốc trong vòng 24 giờ tới rồi mới thêm phần đính chính này vào để các bạn có cơ sở so sánh là bài cũ sai chỗ nào.

Link bài viết gốc ở đây:

Mình hy vọng đây sẽ là bài học cho mình và rất mong những bạn có chuyên môn, kinh nghiệm nếu có lướt qua những bài viết này thấy mình có gì sai thì cứ việc nhắc nhở.

Trước tiên các bạn phải hiểu khái niệm Adverse Event và Adverse Reaction là gì.

Theo FDA định nghĩa thì Adverse Event là những dấu hiệu, biểu hiện, triệu chứng có liên quan đến việc sử dụng thuốc, bất kể là nó có mối quan hệ causation hay không.

Adverse Reaction là những dấu hiệu, biểu hiện, triệu chứng có mối quan hệ causation đến việc sử dụng thuốc.

Nói theo toán học thì Adverse Reaction là tập hợp con của Adverse Event. Adverse Event là tất cả những dấu hiệu, biểu hiện, triệu chứng có mối liên hệ correlation với việc sử dụng thuốc. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có những loại có mối liên hệ causation mới được xếp vào nhóm Adverse Reaction thôi.
Như vậy thì mọi việc rõ ràng quá rồi, đúng không bạn?

Chính FDA cũng đã có khuyến cáo rằng các hãng dược không nên gom hết tất cả các adverse event để đưa vào mục ADVERSE REACTION.

Các bạn có thể đọc quy định này ở đây: https://www.fda.gov/downloads/drugs/guidancecomplianceregulatoryinformation/guidances/ucm075057.pdf

Hoặc các bạn cũng có thể xem phần được tô đậm ở trong hình đính kèm theo bài viết này.

Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng màu hồng như vậy.

Việc xác định, nhận diện đâu là Adverse Reaction vẫn chưa được các nhà quản lý quy định rõ ràng và rất dễ làm mọi người lầm lẫn.

Nó thường được phát hiện ra dựa vào những nghiên cứu về dược học và độc học trên các con vật cũng như các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trước khi thuốc được đưa ra thị trường. Những phản ứng này thì chắc chắn là có mối liên hệ causation với thuốc rồi.

Tuy nhiên, ngoài những phản ứng có mối liên hệ causation rõ ràng đó thì danh sách trong phần ADVERSE REACTION của package insert cũng sẽ được kéo dài ra thêm sau khi thuốc được đưa ra ngoài thị trường dựa vào các post market studies. Lúc này thì mọi việc bắt đầu rối. Lý do là vì nó được sử dụng trên một lượng người rất lớn.

FDA có lập ra hẳn một hệ thống để cho mọi người vào báo cáo các Adverse Event mà họ gặp phải khi sử dụng thuốc. Hệ thống này gọi là Medwatch và hệ thống cơ sở dữ liệu lưu trữ các adverse event của thuốc là FAERS (FDA’s Adverse Event Reporting System). Tuy nhiên, tất cả mọi người đều được quyền báo cáo lên hệ thống này, bao gồm bác sĩ, dược sĩ, bệnh nhân, và nhà sản xuất. Dựa vào đó mà FDA sẽ đưa ra những quyết định cần thiết buộc các nhà sản xuất thuốc phải thay đổi nội dung package insert cho phù hợp.

Vấn đề được đặt ra là ai sẽ là người quyết định tính chính xác của các Adverse Event này khi mà tất cả mọi người đều có thể gửi báo cáo lên hệ thống?

Ngoài ra, các công ty dược cũng sẽ nhận các báo cáo về adverse event từ người sử dụng ở khắp nơi trên thế giới gửi về.

Khi các công ty này nhận thấy rằng có hơi nhiều báo cáo về một phản ứng nào đó, với cái hoàn cảnh tranh tối tranh sáng này cộng với việc các luật sư như những con sói chờ mồi đang đứng đầy trước cửa, họ sẽ chậc lưỡi rồi thêm các phản ứng này vào mục ADVERSE REACTION mà bỏ lơ lời khuyến cáo của FDA để lỡ có chuyện gì thì còn có cái để bảo vệ mình trước tòa. Lý do rất đơn giản, nếu thêm vào danh sách một cái tên mà người dùng không bị gì thì chẳng ai bị làm sao cả. Nhưng nếu không thêm vào mà người dùng bị đúng cái phản ứng đó rồi đâm đơn đi kiện thì đó là một thảm họa.

Do đó, theo đúng định nghĩa của FDA thì những gì được đưa vào mục Adverse Reaction đều phải có mối liên hệ causation với thuốc. Tuy nhiên, trong thực tế thì không hẳn như vậy. Đôi khi chúng chỉ là những Adverse Event có mối liên hệ correlation, thậm chí rất yếu với thuốc mà thôi.

Cái danh sách những phản ứng với thuốc trong mục Adverse Reaction thật chất chỉ là đòn đánh phủ đầu, bao vây của các công ty dược để đối phó với các vấn đề pháp lý mà thôi.

Đó là lý do vì sao ở bài gốc, mình có nói rằng những phản ứng có hại có mối liên hệ causation với thuốc thật ra nằm ở mục WARNING còn những phản ứng chỉ có mối liên hệ correlation với thuốc nằm ở mục ADVERSE REACTION.

CHÚ THÍCH HÌNH

Hình 1: Đây là hình được chụp ở trang số 2 trong bộ tài liệu hướng dẫn soạn thảo mục Adverse Reaction của FDA trong đó có khuyến cáo rõ các công ty dược nên tránh đem hết tất cả các Adverse Event, trong đó có cả những event ít gặp, xảy ra khi không sử dụng thuốc hoặc không có khả năng liên quan đến thuốc. Tuy nhiên, vì để bảo vệ mình trước tòa, các công ty thường hay phớt lờ khuyến cáo này.

Hình 2: Hình một package insert với danh sách dài dằng dặc các adverse event chẳng có mối liên quan causation nào với thuốc nhưng vẫn được các hãng dược đưa vào cho chắc ăn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

FDA (January 2006). Guidance for Industry – Adverse Reactions Section of Labeling for Human Prescription Drug and Biological Products

– Content and Format. Được lấy từ: https://www.fda.gov/…/guidancecompl…/guidances/ucm075057.pdf

FDA (April 01, 2018). Investigational New Drug Application. Được lấy từ: https://www.accessdata.fda.gov/…/cfdocs/cfcfr/cfrsearch.cfm…

FDA (June 04, 2018). Questions and Answers on FDA’s Adverse Event Reporting System (FAERS). Được lấy từ: https://www.fda.gov/…/Survei…/AdverseDrugEffects/default.htm

Overton, A. (Jan 20, 2019). Is it an Adverse Event or an Adverse Drug Reaction? Được lấy từ: http://www.ask-cato.com/is-it-an-adverse-event-or-an-adver…/

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *