Về bệnh mất ngủ mãn tính

bệnh mất ngủ

1. Rối loạn mất ngủ được định nghĩa là một rối loạn không do hoàn cảnh hay cố ý trong việc khởi đầu hoặc duy trì giấc ngủ đêm mà gây ra những ảnh hưởng nào đó đến tình trạng thể chất ngày hôm sau. Mất ngủ được xác định là mãn tính (Chronic Insomnia) khi nó tồn tại ít nhất ba tháng với tần suất ít nhất ba lần mỗi tuần, ngược lại, chỉ là mất ngủ tạm thời và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng thể, vài thống kê cho thấy có tầm 50% dân số có mất ngủ, trong đó có 5-10% mất ngủ mãn tính.

2. Tuy có nhiều phát hiện mới về cơ chế sinh học của chu kỳ Thức- Ngủ, căn nguyên của mất ngũ mãn tính vẫn còn bí ẩn, tin vui cho người mất ngủ là họ thường thông minh, nhiều năng khiếu, tin buồn là có mối liên quan từ trung bình đến cao giữa mất ngủ mãn tính với các bệnh lý tâm thần như rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, tâm thần phân liệt.

3. Các thuốc an thần giải lo họ Benzodiazepines (BZD), thuốc gây ngũ hypnotic non-BZD như zolpidem, zolpidem giải phóng chậm, eszopiclone, zaleplon, và các thuốc chống trầm cảm thường được dùng để điều trị mất ngủ ngoài trị liệu điều chỉnh hành vi, việc sử dụng thuốc cho mất ngủ mãn tính có những quy định chặt chẻ về liều dùng, thời gian dùng…nhằm hạn chế sự quen thuốc hay lệ thuộc thuốc, hạn chế các tác dụng phụ của thuốc như ngầy ngật ngày hôm sau, dể gây té ngã, giảm trí nhớ.

4. Mặc dù các thuốc chống trầm cảm được sử dung nhiều trong thực tế để điều trị mất ngủ, bằng chứng của chúng vẫn còn thiếu theo các đánh giá gần đây trên thư viện y học chứng cứ Cochrane. Ngoại trừ Doxepin, các thuốc SSRI hay TCA chưa có đủ dữ liệu xác nhận hiệu quả và tính an toàn cho điều trị.

5. Hướng dẫn trị liệu cho mất ngũ mãn tính của AASM American Academy of Sleep Medicine 2017 bao gồm các khuyến cáo sau

– Ưu tiên điều trị tâm lý và hành vi

– Điều trị thuốc cho khó ngũ đầu giấc : Eszopiclone, Zaleplon, Zolpidem, Triazolam, Temazepam, Ramelteon

– Điều trị thuốc cho thức giấc nữa đêm và không ngũ lại được : Suvorexant, Eszopiclone, Zolpidem, Temazepam, Doxepin

– Các thuốc không được khuyến cáo sử dụng: Trazodone (chống trầm cảm), Tiagabine (chống co giật) Diphenhydramine (kháng histamin), Melatonin (hormon tuyến tùng tổng hợp), Tryptophan (acid amin), Valerian (thảo dược)

5. Ramelteon (Rozerem* Takeda) là một chất đồng vận thụ thể melatonin (agonist MT1 và MT2). Melatonin là chất điều hòa nhịp sinh học ngày đêm hay là chu kỳ thức ngủ circadian rhythme, được sản xuất bởi tuyến tùng ở não và đã được tổng hợp, Rozerem được FDA chấp thuận cho sử dụng tháng 7/2005

5. Suvorexant (Belsomra* Merck) được FDA chấp thuận tháng 8/2014, là một đối vận chọn lọc thụ thế orexin (dual orexin receptor antagonist, DORA, thụ thể kết hợp G-protein, OX1R và OX2R), dẫn đến ức chế tác động của orexin, một neuropeptide dẫn truyền thần kinh có chức năng làm tăng hoạt hệ giao cảm, tăng vận động, tăng tỉnh thức, gây thèm ăn hay khoái cảm…
FDA xác định hiệu quả của suvorexant dựa trên 3 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng với hơn 500 bệnh nhân. Số bệnh nhân dùng suvorexant đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ít thức giấc trong đêm hơn so với bệnh nhân nhóm dùng giả dược, tác dụng không mong muốn thường gặp là ngầy ngật ngày hôm sau.
Một DORA khác là lemborexant (Essai Co)vừa được FDA chấp thuận hồ sơ NDA (new drug application) tháng 1/2019 sau khi có kết quả thử lâm sàng pha II tốt, với các DORA, hy vọng những thách thức của mất ngủ mãn tính hay cấp tính sẽ được giải quyết.

6. Tin buồn cho người mất ngủ Việt nam là tất cả các thuốc được AASM khuyến cáo sử dụng nói trên đều không có tại mặt thị trường Việt nam, ngoại trừ ít hàng xách tay, các vũ khí cho y tế VN trong việc chăm sóc sức khỏe tâm trí vẫn là một vấn đề nan giải (một số thuốc mới cho điều trị tâm thần phân liệt, trầm cảm cũng chưa sẵn có)

7. Tin vui là trị liệu không dùng thuốc bao gồm các biện pháp vệ sinh giấc ngủ (sleep hygiene), trị liệu nhận thức hành vi CBT (cognitive behavioral therapy) là biện pháp đầu tiên được chọn lựa, và thường có kết quả tốt

7.1 Vệ sinh giấc ngủ :
– Cố định thời điểm đi ngủ (ví dụ 9-10 giờ tối), thời gian thức dậy vào buổi sáng (vi dụ 6 giờ)
– Không uống trà cafe sau 3 giờ chiều
– Bỏ thuốc lá, rượu, liều thấp rượu gây kích thích, liều cao gây ngũ ngắn hạn và làm thức giấc giữa đêm
– Tránh uống nhiều nước trước khi ngủ để hạn chế đi tiểu, tránh ăn quá no trước giờ ngũ.
– Không làm việc trong phòng ngủ, phòng ngủ chỉ dùng cho việc ngủ và việc ấy.
– Không dùng điện thoại, ti vi, máy tính nhiều trước khi ngủ
– Nên tập thể dục đều đặn
– Hạn chế tối đa ngủ ngày

7.2 Trị liệu nhận thức hành vi
– Điều trị nhận thức : nỗi sơ mất ngủ khiến người bệnh khó ngủ đồng thời lo lắng về chất lượng sức khỏe hay công việc ngày hôm sau, nhằm phá vở vòng lẫn quẫn này, bệnh nhân được khuyên tìm cách rủ bỏ và thoát khỏi các suy nghỉ gây lo lắng, có thể dùng một nhật ký chép lại các vấn đề chưa giải quyết hay các vướng bận trong ngày, ví dụ cô này đẹp em kia xinh, hôm nay có liếc mắt thả tim đưa tình ai, sao tháng này chưa có lương chưa có period…
– Kiểm soát kích thích: chỉ lên giường ngủ khi buồn ngủ và rời khỏi giường nếu sau 20 phút vẫn chưa ngủ được, đi bộ, thư giãn, ăn uống rất nhẹ…sau đó trở lại giường. Nếu quay trở lại giường mà vẫn không thể ngủ được trong vòng 20 phút, quy trình nầy được lặp lại.
– Phải thức giấc đúng giờ mỗi buổi sáng, ngay cả ngày nghỉ cuối tuần
– Thư giãn : tập thư giãn cơ, lần lượt các cơ ở mặt vai cổ, sau đó xuống tay và các chi dưới, có thể kết hợp điều hòa nhịp thở, niệm kinh, thiền hay yoga…

8. Mất ngũ mãn tính khó điều trị dứt điểm vì tái đi tái lại, trong thực hành điều trị cần lưu ý các đặc điểm cá nhân để cá thể hóa điều trị, và trước hết cần điều trị tốt các bệnh thực thể hay tâm thần kèm theo…

P/S : Bài tổng hợp của một dược sĩ, không phải của một bác sĩ nội khoa hay nhà tâm thần học, rất vui khi nhận được góp ý../.

 

 

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *