Nhà thuốc Lưu Văn Hoàng – Chủ đề:Điều trị táo bón ở trẻ em
Nguồn: Bác Sĩ Quan Thế Dân
Năm ngoái tôi có viết một bài về điều trị táo bón ở người già, sau đó tôi có hứa sẽ viết tiếp một bài về điều trị táo bón ở trẻ em, thế rồi dịch Covid cuốn đi, bây giờ mới có thời gian ngồi thực hiện nốt lời hứa.
Nguyên nhân táo bón ở trẻ em: chia làm táo bón chức năng và táo bón thực thể
– Táo bón chức năng chiếm tới 95% các trường hợp táo bón ở trẻ em. Táo bón loại này do ăn uống và sinh hoạt có vấn đề.
– Ở trẻ đang tuổi bú sữa, thì táo bón chủ yếu do uống sữa ngoài. Nói thật, nếu so sánh về chất lượng đạm thì sữa mẹ loãng hơn sữa bò. Nhưng cũng chính vì thế khi trẻ bú ngoài bằng sữa bò thì lượng đạm này là quá nhiều so với trẻ, nên lượng đạm này (chủ yếu là casein) kết tủa lại, khó tiêu, ứ đọng lại thành ra táo bón. Táo bón này càng trở nên nặng khi các ông bố bà mẹ lại pha sữa cho con đặc hơn bình thường, vì mong con mau tăng cân.
– Tôi cũng vấp phải bài học này khi nuôi đứa con đầu. Tất cả niềm hãnh diện là tháng này con tăng cân được bao nhiêu. Nên khi pha sữa cho con lúc nào cũng thêm một chút. Hậu quả là mới được mấy tháng mà táo bón khủng khiếp, mỗi lần đại tiện mặt đỏ tía tai, rặn è è, phân ra to hơn cả của người lớn.
– Khi lớn hơn, con vẫn tiếp tục táo bón, bây giờ thì rõ ràng là do ăn ít rau (tức là nói theo mốt bây giờ là thiếu chất xơ). Tất cả bọn trẻ đều không thích ăn rau. Tuy nhiên với trẻ em vai trò của chất xơ không quan trọng như người lớn. Bằng chứng là có nhiều mẹ ép con ăn nhiều rau mà phân vẫn khô, vẫn táo.
– Lười uống nước. Vì nước nhạt nhẽo mà. Con tôi lúc bé muốn cho uống nước là phải pha chút sữa vào cho có mùi sữa thì mới chịu uống. Sau này lớn hẳn, cắt sữa rồi, thì chuyển sang uống nước ngọt, chứ không bao giờ chịu uống nước lọc.
– Táo bón nặng nhất là lúc 3 tuổi, thời bắt đầu đi nhà trẻ. Sau khi con đi nhà trẻ về, thấy táo bón nặng hơn. Đi phân rất khó khăn. Khối phân ra rất to, gần bằng quả cam, rách cả hậu môn, chảy máu. Nên con sợ đi đại tiện. Có hôm tôi tìm mãi không thấy con đâu, sau thấy đứng nấp trong góc nhà, mặt đỏ, vã mồ hôi đầy đầu, hai chân bắt chéo chặt. Thì ra con đang đấu tranh, cố nhịn để không phải đại tiện.
– Táo bón thực thể: tức là táo bón do một bệnh lý nào đó gây ra. Ít gặp, chỉ chiếm 5% tổng số táo bón trẻ em. Có thể do bệnh lý về đại tràng, hậu môn hoặc bệnh nội khoa nào đó. Việc này cần khám tại bệnh viện mới phân biệt được.
Cơ chế gây táo bón cơ năng ở trẻ em
– Đầu tiên là xét về thức ăn. Thức ăn được chia theo thành phần hóa học gồm 3 nhóm: protid, gluxit và lipid, thì protid và gluxit làm chậm nhu động ruột, gây táo bón. Nói cho dễ hiểu thì thịt nạc và cơm trắng là gây táo bón. Nên các cụ có kinh nghiệm ai đang ỉa lỏng mà cho ăn cháo trắng là cầm ỉa ngay vì thế. Lipid, tức là chất mỡ, thì ngược lại, gây tăng nhu động ruột, làm nhuận tràng, ăn nhiều gây ỉa lỏng. Các bạn quan sát sữa trẻ em thế hệ mới bây giờ xem, thấy sữa “ướt” hơn, do nhiều chất béo hơn sữa ngày xưa, vì thế trẻ bú sữa ngoài bây giờ ít bị táo bón hơn ngày trước.
– Vì thế ta sẽ hiễu khi trẻ bú sữa ngoài quá giầu đạm sẽ tiêu hóa không hết và gây nên táo bón. Tiếp theo khi ăn dặm thì bị ép ăn quá nhiều tinh bột, cũng gây táo bón. Khi đã hiểu cơ chế này thì ta sẽ điều chỉnh lại thành phần dinh dưỡng là trẻ sẽ hết táo bón.
– Uống ít nước và ăn ít chất xơ: với trẻ nhỏ, nhất là lứa tuổi dưới 1 tuổi mà bú sữa mẹ ta thấy không hề bị táo bón, qua đấy cho thấy việc uống đủ nước và ăn cân đối chất béo quan trọng hơn chất xơ. Khi trẻ lớn hơn thì cần ăn thêm rau và trái cây để tăng chất xơ. Chất xơ có tác dụng làm tăng khối lượng phân, kích thich co bóp đại tràng, chống táo bón ở trẻ lớn. Nước rất quan trọng làm mềm phân và tăng khối lượng phân. Thiếu nước hậu quả làm phân khô, lượng ít, táo bón tiếp.
– Cơ chế của táo bón do sinh hoạt thì liên quan đến chức năng của đại tràng. Như ở bài trước tôi đã có nói, vai trò chính của đại tràng là hấp thu nước để cô đặc phân. Bình thường thức ăn đi trong hệ tiêu hóa từ 12 đến 36 giờ, trong đó thời gian ở đại tràng chiếm 2/3. Nếu ngắn hơn thời gian đó thì nước chưa được hấp thu hết, sinh ra ỉa lỏng; còn nếu kéo dài hơn thời gian đó thì nước bị rút kiệt, sinh ra phân khô, táo bón. Như vậy bí quyết tránh táo bón là phải tạo thói quen đại tiện hàng ngày, không được nhịn, nhịn lâu sẽ sinh ra táo bón.
– Cơ chế đại tiện: phân được rút khô nước, dồn xuống đoạn cuối cùng của đại tràng là trực tràng để chứa đựng. Lượng phân tích lũy dần thì trực tràng cũng giãn ra để tăng sức chứa. Khi lượng phân đủ lớn thì sẽ kích thích thành trực tràng sinh ra co bóp để tống phân ra ngoài. Ta thấy ở trẻ còn nhỏ, trực tràng hầu như chưa dãn, chưa tạo thành túi chứa phân, nên hay đi đại tiện nhiều lần trong ngày, đó là bình thường. Trẻ lớn hơn trực tràng dãn hơn, chứa phân nhiều hơn, nên trẻ đại tiện một vài lần trong ngày, phân khô hơn, thành khuôn.
– Vấn đề nguy hiểm là khi trẻ lớn hơn, đi học, do lạ nhà nên hay nhịn cơn mót đi đại tiện. Lúc đó khối lượng phân đã đủ nhưng trẻ sợ đi ở chỗ lạ nên cố nhịn cho qua cơn đau bụng. Lượng phân tích lại ngày càng lớn làm trực tràng ngày càng dãn to. Lượng phân nằm lâu trong đại tràng càng bị rút kiệt nước nên càng khô rắn, thành ra táo bón. Và tình trạng này nếu kéo dài sẽ sinh ra táo bón mãn tính vì trực tràng đã bị dãn nên các lần sau phải đợi đến khi có đủ lượng phân như thế thì mới sinh ra cảm giác mót đại tiện. Thế là thành một vòng xoắn luẩn quẩn, lúc đầu thì cố nhịn, sau sinh ra táo bón thật, có khi cả tuần không buồn đại tiện.
Điều trị táo bón cơ năng ở trẻ em
– Quan điểm của tôi là táo bón ở trẻ em nên thay đổi chế độ ăn và nề nếp sinh hoạt, hạn chế dùng thuốc. Các bạn nào muốn có hiệu quả ngay có thể tự đọc thêm về các loại thuốc và tpcn chữa táo bón.
– Đầu tiên là thay đổi chế độ ăn. Ăn giảm bớt chất đạm, giảm chất bột đường. Ăn tăng chất béo. Chất béo rất tốt cho trẻ nhỏ, các mẹ đừng có sợ chất béo, ba cái tuổi ranh mỡ máu gì mà phải kiêng.
– Nếu trẻ tuổi bú sữa mà táo bón, các bạn cho uống thêm nước trái cây có vị chua, axit hữu cơ làm tăng nhu động ruột nhẹ nhàng, trẻ sẽ hết táo bón. Con tôi khi đó tôi cho uống nước pha vào vài giọt chanh tươi, đi đại tiện được ngay.
– Với trẻ lớn hơn phải nhớ cho uống đủ nước, hạn chế nước ngọt. Cho ăn thêm rau nấu nhừ (để tăng chất xơ). Nên nhớ đường ruột của trẻ nhỏ rất mỏng manh, các loại rau sống, trái cây tươi không tiêu được đâu, nên rau củ phải nấu thật nhừ, trái cây thì nên xay ra làm sinh tố cho uống. Các trái cây chín cho trẻ cầm ăn tự nhiên như là hình thức ăn bổ sung thôi.
– Tập cho trẻ thói quen đại tiện đều đặn ngày một lần, không được nhịn, tránh hiện tượng dãn đại tràng thành táo bón kinh niên.
– Với trẻ đã bị táo bón kéo dài, trực tràng đã giãn, thì làm thế nào để khắc phục. Với một cái trực tràng đã giãn, không có cơn co, ta phải dùng biện pháp kích thích cơn co trực tràng cho trẻ đại tiện. Bây giờ có các tuýp thụt dành cho trẻ em và người già: microlax, microlismi. Bóp tuýp thụt vào hậu môn sau vài phút sẽ có cảm giác buồn đại tiện và trực tràng sẽ co bóp tống phân ra ngoài. Tác dụng nhuận tràng này do thuốc thì ít, mà chủ yếu do kích thích vào hậu môn, gây nên cơn co.
– Nếu ta dùng biện pháp thụt này cố định vào một thời điểm trong ngày, thì sau vài lần ta sẽ hình thành một phản xạ đi đại tiện đúng giờ, dần dần sẽ khắc phục được tình trạng dãn trực tràng và táo bón kinh niên.
– Bây giờ tôi xin hiến cho các bạn một biện pháp gia truyền. Ngày trước khi chúng tôi bị táo bón, bố tôi – bác sĩ Quan Đông Hoa, đã lấy bánh xà phòng, vót nhọn, thoa ít nước cho trơn, rồi nhét vào hậu môn một vài lần, thế là sinh cảm giác mót và đại tiện được. Sau này bố tôi sáng chế tiếp, lấy cái bơm tiêm không có kim, hút vào xi lanh độ 3 ml mật ong, bơm vào hậu môn, chỉ ít phút sau sẽ đi đại tiện được. Mật ong vừa làm dịu, vừa làm trơn, vừa sát khuẩn, hóa ra là một chất gây co bóp trực tràng và đại tiện rất tốt. Ông đã phổ biến cách này cho tôi chữa táo bón cho các cháu rất hiệu nghiệm. Trong toilet nhà tôi ngày trước lúc nào cũng có lọ mật ong và một cái bơm tiêm nhựa, thỉnh thoảng các con tôi lại réo gọi: bố ơi, bơm mật ong cho con! Sau này trong thời gian ngồi phòng khám nhi khoa, tôi đã phổ biến cách này cho nhiều mẹ và được phản hồi là rất tốt. Nên hôm nay phổ biến tiếp cho các bạn.
– Sau khi bạn đã áp dụng tất cả các cách trên mà cháu bé vẫn táo bón thì nên đưa trẻ đi khám bệnh viện để tìm xem có bệnh lý thực thể nào gây táo bón hay không nhé.