Bệnh lý tiền liệt tuyến

benh ly tuyen tien liet

Tiền liệt tuyến được biết đến là một trong những cơ quan sinh sản của nam giới. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tinh trùng khi xâm nhập vào âm đạo từ đó tăng tỉ lệ sống sót của tinh trùng và làm tăng khả năng thụ thai. Với chức năng quan trọng như thế thì tất cả các bệnh liên quan đến tuyến tiền liệt đều cần rất thận trọng nếu không tỉ lệ vô sinh sẽ rất cao. Ở bài này vnras.com/drug xin giới thiệu tới các bạn tất cả các bệnh liên quan đến tiền liệt tuyến.

Tổng quan về tiền liệt tuyến

Vị trí của tiền liệt tuyến
Ảnh: Vị trí của tiền liệt tuyến (prostate) trong cơ thể.

Tiền liệt tuyến là một tuyến ngoại tiết quan trọng trong hệ thống sinh sản nam giới. Nó nằm ở phía dưới bàng quang và trước trực tràng. Tiền liệt tuyến có chức năng tiết ra một chất dịch lỏng màu trắng, tính kiềm, đóng góp vào khoảng 1/3 thể tích tinh dịch, có tác dụng trung hòa môi trường acid âm đạo và bảo vệ tinh trùng.

Khi mới sinh, kích thước tuyến tiền liệt rất nhỏ (khoảng bằng hạt đậu), sau đó đến tuổi dậy thì tuyến phát triển mạnh và đạt kích thước ổn định khi trưởng thành khoảng 4cm x 3cm x 2.5cm. Đến tuổi khoảng 50, tuyến tiền liệt của đa số đàn ông sẽ tăng dần kích thước, gọi là phì đại tiền liệt tuyến lành tính. Tuy rằng không phải ung thư, nhưng sự phì đại này cũng gây những khó khăn nhất định cho bệnh nhân như tiểu bí, tiểu rắt…

Bệnh lý liên quan đến tuyến tiền liệt thường gặp gồm có: Viêm tiền liệt tuyến; U xơ tiền liệt tuyến và Ung thư tiền liệt tuyến.

Viêm tiền liệt tuyến

Phân loại Viêm tiền liệt tuyến

Được phân ra làm 4 loại:

Tiền liệt tuyến bị viêm
Hình ảnh: Tiền liệt tuyến bị viêm

Viêm tiền liệt tuyến cấp nhiễm khuẩn (Acute Bacterial Prostatitis)

Đây là một tình trạng viêm nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn có thể có nguồn gốc từ bể thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Đây là một tình trạng viêm nhiễm diễn ra nhanh chóng và nghiêm trọng. Nếu gặp phải một trong những triệu chứng lâm sàng dưới đây, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế ngay lập tức:

  • Tiểu bí, tiểu rắt hoặc có thể nước tiểu tự chảy ra mà bệnh nhân không thể kiểm soát được. Khó khăn khi đi tiểu.
  • Sốt cao, ớn lạnh.
  • Đau quanh gốc dương vật hoặc sau bìu.
  • Nước tiểu đục.

Viêm tiền liệt tuyến mạn nhiễm khuẩn (Chronic Bacterial Prostatitis)

Đây là một tình trạng phổ biến ở người già. Bệnh nhẹ hơn so với viêm tiền liệt tuyến cấp nhiễm khuẩn và kéo dài trong vài tháng. Thường vi khuẩn có nguyên nhân từ các vùng của hệ tiết niệu như trường hợp viêm tiền liệt tuyến cấp nhiễm khuẩn hoặc do tiến triển từ viêm tiền liệt tuyến cấp nhiễm khuẩn.

Các triệu chứng có thể gặp là:

  • Tiểu buốt, tiểu rắt.
  • Tiểu đêm.
  • Đau lưng dưới.
  • Đau trực tràng.
  • Đau khi xuất tinh.
  • Cảm giác nặng sau bìu.
  • Có máu trong tinh dịch.
  • Tắc nghẽn đường niệu.

Viêm tiền liệt tuyến mạn / Hội chứng đau vùng chậu mạn tính (Chronic prostatitis / Chronic pelvic pain syndrome (CP/CPPS))

Đây là tình trạng viêm tiền liệt tuyến phổ biến nhất. Nó có nhiều dấu hiệu tương tự như viêm tiền liệt tuyến nhiễm khuẩn. Tuy nhiên không thể tìm thấy vi khuẩn khi xét nghiệm.

Nguyên nhân gây ra CP/CPPS chưa thực sự rõ. Tuy nhiên người ta đã biết các yếu tố làm kích hoạt bệnh gồm có stress, tổn thương dây thần kinh gần vùng chậu hoặc chấn thương. CP/CPPS cũng có liên quan đến những rối loạn miễn dịch như hội chứng mệt mỏi mạn tính hoặc hội chứng ruột kích thích.

  • Đau: dương vật, trực tràng, giữa dương vật và trực tràng, bụng dưới.
  • Đau khi xuất tinh.
  • Tiểu nhiều hoặc không cầm được nước tiểu, dòng nước tiểu yếu.

Viêm tiền liệt tuyến không triệu chứng

Bệnh không cần phải điều trị, tuy nhiên có thể dẫn tới vô sinh. Bệnh nhân không thể tự phát hiện ra triệu chứng mà chỉ có thể phát hiện khi làm xét nghiệm máu kiểm tra sức khỏe tiền liệt tuyến.

 Các yếu tố nguy cơ của viêm tiền liệt tuyến:

Các yếu tố nguy cơ gây viêm tiền liệt tuyến
Hình ảnh: Các yếu tố nguy cơ gây viêm tiền liệt tuyến
  • Đàn ông từ 60 tuổi trở nên.
  • Nhiễm trùng tiết niệu.
  • Sử dụng ống thông tiểu.
  • Chấn thương háng.
  • Nhiễm HIV/AIDS.
  • Có sinh thiết tiền liệt tuyến.
  • Tiền sử viêm tiền liệt tuyến.

Điều trị

Điều trị dùng thuốc

Trong viêm tiền liệt tuyến nhiễm khuẩn dù cấp hay mạn tính đều phải sử dụng kháng sinh. Nên sử dụng kháng sinh đúng theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý mua kháng sinh tại các nhà thuốc. Vì các kháng sinh thường khó thấm vào mô tiền liệt tuyến, nên việc điều trị thường gặp nhiều khó khăn và kéo dài đến vài tháng. Với viêm tiền liệt tuyến mạn / hội chứng đau vùng chậu mạn tính và viêm tiền liệt tuyến không triệu chứng do không có nhiễm khuẩn nên sử dụng kháng sinh trong các trường hợp này là không cần thiết.

Điều trị các chấn thương, tổn thương dây thần kinh vùng chậu nếu có thể.

Nếu bệnh nhân có tiểu bí, tiểu rắt, bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng các thuốc chẹn α-adrenergic (prazosin…) để giảm bớt các triệu chứng này.

Có thể cân nhắc các thuốc giảm đau kháng viêm nhóm NSAIDs để giảm triệu chứng đâu cho bệnh nhân. Nên cân nhắc các thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (celecoxib, piroxicam…) để giảm thiểu các tác dụng phụ không mong muốn.

Điều trị không dùng thuốc

  • Uống nhiều nước, tránh các đồ uống có cồn và cafein.
  • Hạn chế các thức ăn cay nóng (tiêu, ớt…).
  • Hạn chế stress, căng thẳng.
  • Giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ, quan hệ tình dục lành mạnh, điều độ.
  • Chịu khó đi lại, tập thể dục thường xuyên, hạn chế đi xe đạp…

U xơ tiền liệt tuyến

Tiền liệt tuyến của bệnh nhân bị u xơ
Hình ảnh: Tiền liệt tuyến của bệnh nhân bị u xơ

U xơ tiền liệt tuyến hay còn gọi là phì đại / tăng sản tiền liệt tuyến lành tính (Benign Prostatic Hyperplasia, BPH) là một dạng bệnh lý thường gặp ở đàn ông tuổi trung niên. Bệnh thường gặp ở đàn ông từ 50 tuổi trở lên và tỉ lệ mắc tăng dần theo tuổi. Ở tuổi 60, hơn một nửa nam giới mắc u xơ tiền liệt tuyến và ở tuổi 85, con số này tăng lên đến 90%, theo Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ (American Urological Association, AUA).

Các triệu chứng của u xơ tiền liệt tuyến

  • Dòng nước tiểu chậm hoặc yếu.
  • Cảm giác bàng quang rỗng không hoàn toàn.
  • Khó bắt đầu tiểu.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Đi tiểu khẩn cấp.
  • Tiểu đêm nhiều lần.
  • Chảy nước tiểu.

Khi bàng quang không rỗng hoàn toàn, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu, sỏi bàng quang, tiểu máu, bí tiểu cấp, đôi khi là tổn thương bàng quang hoặc thận.

Điều trị

Các bác sĩ có thể xem xét sử dụng thuốc, biện pháp xâm lấn tối thiểu hoặc phẫu thuật nếu cần thiết. Điều này phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng y tế của bệnh nhân.

Thuốc điều trị:

  • Thuốc chẹn α-adrenergic: Thuốc làm giãn các cơ quanh tuyến tiền liệt và cổ bàng quang, làm giảm các triệu chứng bí tiểu, tiểu rắt. Bao gồm alfuzosin, terazosin, doxazosin… Thuốc có tác dụng sau 1-2 ngày. Tác dụng phụ phổ biến là chóng mặt (do hạ huyết áp), tác dụng phụ khác nhẹ và dễ kiểm soát. Thuốc không dành cho bệnh nhân nhiễm trùng tiết niệu thường xuyên hoặc giữ nước tiểu đáng kể.
  • Thuốc ức chế 5α-reductase: Thuốc làm giảm lượng dihydrotestosterone (DHT), từ đó làm giảm kích thước tiền liệt tuyến. Bao gồm finasteride, dutasteride. Thuốc có tác dụng chậm, cần sử dụng 6-12 tháng. Thuốc giúp giảm nguy cơ ứ đọng nước tiểu cấp tính và giảm nhu cầu cần phẫu thuật. Các tác dụng phụ bao gồm giảm khả năng cương cứng, giảm ham muốn tình dục và giảm lượng tinh dịch.
  • Thuốc kháng muscarinic như tolterodine cũng thường được sử dụng với các thuốc chẹn α-adrenergic. Thuốc có tác dụng làm giảm tác dụng của acetylcholine lên cơ trơn bàng quang, giảm triệu chứng liên quan đến bàng quang hoạt động quá mức.
  • Sidenafil cũng cho thấy có hiệu quả trong một số triệu chứng, bao gồm cả rối loạn cương dương (Erectile Dysfunction, ED).
  • Các thuốc thảo dược cũng có thể được xem xét tuy nhiên chưa có thuốc nào được FDA phê duyệt. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy không có sụ khác biệt giữa thuốc thảo dược và giả dược (placebo).

Điều trị xâm lấn tối thiểu:

  • Liệu pháp TUMT (TransUrethral Microwave Thermotherapy): Phương pháp này sử dụng bức xạ vi sóng để phá hủy các mô của tiền liệt tuyến một cách có chọn lọc. Sẽ có một hệ thống làm mát bảo vệ thành niệu đạo trong suốt quá trình. Phương pháp này chỉ cần gây tê và giảm đau tại chỗ. Các tác dụng phụ bao gồm tiểu đau, xuất tinh ít tinh dịch, tăng tần suất đi tiểu…
  • Liệu pháp TUNA (TransUrethral radio frequency Needle Ablation): Sử dụng sóng vô tuyến cao tần để tạo ra nhiệt phá hủy các mô tiền liệt tuyến chọn lọc. Sóng được đưa vào bằng hai kim được chèn trực tiếp vào tiền liệt tuyến (có thể gây mê). Bệnh nhân không cần nằm viện. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm tiểu đau, tiểu thường xuyên…
  • Stent tiền liệt tuyến: Sử dụng stent để mở rộng niệu đạo không được khuyến khích cho hầu hết nam giới. Sử dụng stent khá đắt tiền, khó loại bỏ và có thể gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, làm trầm trọng thêm triệu chứng. Bệnh nhân có thể tiểu đau, nhiễm trùng tiết niệu thường xuyên.

Phẫu thuật:

  • Phương pháp TURP (TransUrethral Resection of the Prostate): Đây là phẫu thuật cắt tiền liệt tuyến thông qua niệu đạo. Loại phẫu thuật này ít chấn thương hơn phẫu thuật mở và thời gian hồi phục nhanh hơn. Trong phương pháp này, bệnh nhân có nguy cơ xuất tinh ngược vào bàng quang thay vì qua niệu đạo. Điều này không phải là một vấn đề lớn. Các tác dụng phụ khác có thể xảy ra bao gồm mất máu (hiếm gặp), tiểu đau, tiểu ra máu, hẹp cố bàng quang, nhiễm trùng tiết niệu tái phát, các vấn đề về cương dương (5-35%), tuy nhiên khả năng cương cứng và đạt cực khoái sẽ trở lại bình thường sau một vài tháng.
  • Phương pháp TUIP (TransUrethral Incision of the Prostate): Phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến làm giảm áp lực lên niệu đạo, giúp bệnh nhân đi tiểu dễ dàng. Bệnh nhân được về nhà trong ngày và có thể mang ống thông 1-2 ngày. Các triệu chứng giảm chậm hơn TURP, tuy nhiên hầu hết bệnh nhân đều hài lòng. Xuất tinh ngược ít phổ biến và ít nghiêm trọng hơn TURP. Các vấn đề về cương dương tương đương TURP.
  • Phẫu thuật lade (Laser Surgery): Phương pháp này sử dụng chùm tia lade hóa hơi năng lượng cao phá hủy mô tiền liệt tuyến (gây mê toàn thân). Triệu chứng giảm nhanh và bệnh nhân có thể bị tiểu đau trong vài tuần. Phương pháp này ít gây mất máu tuy nhiên cũng có thể gây xuất tinh ngược. Phẫu thuật lade bao gồm:
  • HoLAP (Transurethral Holmium Laser Ablation of the Prostate): Lade Holminum cắt bỏ tiền liệt tuyến.
  • HoLEP (Transurethral Holmium Laser Enucleation of the Prostate): Lade Holminum bóc tiền liệt tuyến.
  • HoLRP (Holmium Laser Resection of the Prostate): Lade Holminum cắt bỏ tiền liệt tuyến.
  • PVP (Photoselective Vaporization of the Prostate): Kĩ thuật bay hơi chọn lọc hình ảnh tiền liệt tuyến.
  • Phẫu thuật mở tiền liệt tuyến (Open Prostate Surgery): Được sử dụng khi tiền liệt tuyến phì đại quá lớn, hẹp niệu đạo, sỏi bằng quang. Phương pháp này đòi hỏi gây mê toàn thân hoặc cột sống, mất vài tuần đến vài tháng để phục hồi. Các tác dụng phụ tương tự TURP.

Ung thư tiền liệt tuyến

Ung thư tuyến tiền liệt
Hình ảnh: Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tiền liệt tuyến là một bệnh lý ác tính của tiền liệt tuyến. Bệnh thường tiến triển chậm, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra di căn.

Hiện nay người ta chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng gây ra ưng thư tiền liệt tuyến. Tuy vậy, cũng đã xác định được một số yếu tố nguy cơ của ung thư tiền liệt tuyến là tuổi tác (tuổi càng cao tỉ lệ mắc càng cao), chủng tộc (đàn ông Mỹ gốc Phi và đàn ông gốc Phi ở Caribbean có tỉ lệ mắc cao hơn), vị trí địa lý (Bắc Mỹ, Tây Bắc Âu, Úc, các đảo Caribbean), tiền sử gia đình và thay đổi gen di truyền (đột biến gen BRCA1BRCA2, đột biến gen RNASEL, MSH2 MLH1, đột biến gen HOXB13, hội chứng Lynch). Các yếu tố ít ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến là chế độ ăn, béo phì, hút thuốc lá, phơi nhiễm hóa chất, viêm tiền liệt tuyến, một số bệnh tình dục và thắt ống dẫn tinh.

Ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, vì vậy bệnh nhân nên sàng lọc ung thư thường xuyên trước khi xuất hiện các triệu chứng. Thông thường bệnh có thể được phát hiện sớm nhờ xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến (PSA) hoặc khám trực tràng kĩ thuật số (DRE). Khoảng 85% đàn ông bị ung thư tiền liệt tuyến có PSA > 4 ng/mL, nếu PSA > 10 ng/mL, khả năng bị ung thư tiền liệt tuyến là hơn 50%. Sau các xét nghiệm trên, nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu sinh thiết tiền liệt tuyến để chắc chắn kết quả.

Ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn sau có thể gặp một số triệu chứng tương tự như phì đại tiền liệt tuyến lành tính, việc xét nghiệm chẩn đoán phân biệt là cần thiết.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu SEER để xác định tỉ lệ sống tương đối 5 năm của bệnh nhân.

Phân loại theo AJCC (SEER) Tỉ lệ sống tương đối 5 năm
Giai đoạn I,II, một số giai đoạn III (SEER: localized) Gần 100%
Giai đoạn IIIB, IVA (SEER: regional) Gần 100%
Giai đoạn IVB (SEER: distant) 30%
Tất cả các giai đoạn 98%

(!)Dữ liệu từ 2008 đến 2014.

Điều trị

Các tế bào ung thư trong tuyến tiền liệt
Hình ảnh: Các tế bào ung thư trong tuyến tiền liệt

Phẫu thuật:

  • Phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến triệt để sau mu (Radical Retropubic Prostatectomy): Thường sử dụng khi khối u chưa lan rộng, vẫn khu trú tại tiền liệt tuyến hoặc mới lan đến các hạch bạch huyết gần đó. Bác sĩ tạo một vết cắt ở bụng dưới, từ rốn xuống đến xương mu. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống hoặc ngoài màng cứng. Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ đưa một ống thông vào dương vật bệnh nhân để dẫn lưu bàng quang.

Các rủi ro bao gồm: phản ứng với thuốc gây mê, chảy máu do phẫu thuật, xuất hiện các cục máu đông tại chân và phổi, tổn thương các cơ quan lân cận hoặc nhiễm trùng sau phẫu thuật.

  • Phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến triệt để đáy chậu (Radical Perineal Prostatectomy): Trong phẫu thuật này vết cắt ở giữa hậu môn và bìu. Tuy nhiên cách tiếp cận này ít phổ biến hơn và có thể gây ra các vấn đề về cương cứng. Các vấn đề khác gặp phải tương tự như trên.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến triệt để nội soi ổ bụng (Laparoscopic Radical Prostatectomy): Bác sĩ sẽ đưa một số ống nội soi vào cơ thể thông qua các vết mổ nhỏ để cắt bỏ tiền liệt tuyến. Ưu điểm: ít mất máu, ít đau, thời gian nằm viện ngắn hơn và thời gian phục hồi nhanh hơn. Các tác dụng phụ khác tương tự như trên. Phẫu thuật nội soi có thể sử dụng hệ thống robot với khả năng cơ động và độ chính xác cao hơn.
  • Phương pháp TURP: như trên.

Xạ trị ung thư:

Xạ trị ung thư gồm hai loại là xạ trị ngoài (xạ trị từ xa) và xạ trị trong (xạ trị áp sát).

Xạ trị ngoài (EBRT): Chùm bức xạ được tập trung vào tiền liệt tuyến từ bên ngoài cơ thể. Các bác sĩ sẽ tính góc và liều lượng phù hợp. Thời gian điều trị khoảng 5 ngày / tuần trong vài tuần. Quá trình chiếu xạ không gây đau đớn và chỉ kéo dài trong vài phút.

  • Xạ trị không gian ba chiều (3D-CRT): Máy tính được sử dụng để lập bản đồ chính xác tiền liệt tuyến, sau đó các chùm bức xạ được định hình và nhắm vào tiền liệt tuyến từ nhiều hướng, giảm tác dụng phụ trên mô lành.
  • Xạ trị điều biến cường độ (IMRT): Là loại EBRT phổ biến nhất trong ung thư tiền liệt tuyến. Máy tính di chuyển xung quanh bệnh nhân trong khi chiếu bức xạ, chùm tia được định hình và nhắm vào tiền liệt tuyến từ nhiều góc độ, cường độ được điều chỉnh để hạn chế liều tiếp cận lên các mô lành. Một số máy bức xạ được tích hợp máy quét hình ảnh, gọi là liệu pháp xạ trị hướng dẫn bằng hình ảnh (IGRT). Một biến thể khác là xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT). Phương pháp này thuận tiện hơn cho bệnh nhân tuy nhiên không chứng minh được là hiệu quả hơn IMRT thông thường.
  • Xạ trị lập thể định vị thân (SBRT): Phương pháp này sử dụng kĩ thuật hướng dẫn hình ảnh tiên tiến, cung cấp liều phóng xạ cao đến một khu vực xác định, ở đây là tiến liệt tuyến. Phương pháp này có thời gian điều trị ngắn hơn IMRT (vài ngày), tuy nhiên các tác dụng phụ không khá hơn.
  • Xạ trị chùm proton: Không giống như chùm tia X, chùm proton ít gây ra tổn thương các mô do chúng đi qua, chỉ gây tổn thương khi đã đi được một khoảng cách nhất định. Tuy nhiên dù về lí thuyết là an toàn hơn so với tia X, chưa nghiên cứu nào cho thấy điều này có đúng hay không. Liệu pháp này cũng bị hạn chế do rất đắt tiền so với các liệu pháp dùng tia X thông thường.

Nhìn chung với xạ trị ngoài bệnh nhân hay gặp các tác dụng phụ liên quan đến đường ruột, đường niệu, rối loạn cương dương (bất lực), mệt mỏi, phù bạch huyết.

Xạ trị trong: Phối hợp với xạ trị ngoài để giảm bớt các biến chứng của xạ trị ngoài lên mô lành, đồng thời tăng hiệu quả lên khối u. Xạ trị trong đơn thuần chỉ được dùng cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu, tiến triển chậm. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống. Có hai loại:

  • Xạ trị trong lâu dài (liều thấp): Các viên chứa chất phóng xạ (như iod-125 hoặc palladium-103) được đưa vào tiền liệt tuyến và thải ra liều phóng xạ thấp trong thời gian dài. Bức xạ phát ra một lượng lớn trong một khu vực nhỏ, giới hạn mức độ tổn thương cho các mô gần đó.
  • Xạ trị trong tạm thời (liều cao): Phương pháp này sử dụng liều phóng xạ cao hơn trong thời gian ngắn hơn. Viên phóng xạ sau khi sử dụng sẽ được loại bỏ ngay (Iridium-192 và Caesium-137). Hầu hết bức xạ tập trung ở chính tuyến tiền liệt, tránh các mô bình thường gần đó.

Các tác dụng phụ thường gặp tương tự xạ trị ngoài.

Liệu pháp áp lạnh: Liệu pháp này sử dụng nhiệt độ rất lạnh tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến tiền liệt, được sử dụng để điều trị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn đầu. Đây không phải là phương pháp điều trị ưu tiên cho bệnh này. Các tác dụng phụ gặp phải thường gặp là tiểu máu, tiểu không tự chủ, rối loạn cương dương, chức năng bàng quang và trực tràng bị ảnh hưởng.

Liệu pháp hormon: Còn gọi là liệu pháp thiếu hụt androgen. Các androgen gồm testosterone và dihydrotestosterone (DHT) kích thích các tế bào ung thư phát triển. Ức chế các hormon này giúp ung thư phát triển chậm hơn một thời gian. Tuy nhiên cần ghi nhớ rằng liệu pháp hormon đơn thuần không chữa được ung thư tiền liệt tuyến. Các phương pháp điều trị cụ thể bao gồm:

  • Thiến tinh hoàn: Tinh hoàn là nơi sản xuất chủ yếu các androgen. Hầu hết các ung thư tiền liệt tuyến ngừng phát triển hoặc khối u co lại một thời gian sau khi thiến.
  • Chất chủ vận LHRH (chủ vận GnRH): Còn gọi là “thiến hóa học” do làm giảm lượng androgen tương tự như thiến tinh hoàn. Hầu hết đàn ông đều chọn phương pháp này thay vì phẫu thuật thiến tinh hoàn. Tại Hoa Kỳ có sẵn 4 thuốc: Leuprolide, Goserelin, Triptorelin và Histrelin.
  • Chất đối kháng LHRH (Degarelix): Giảm nồng độ testosterone nhanh hơn và không gây ra khối u như các chất chủ vận LHRH. Thuốc được sử dụng trong ung thư tiền liệt tuyến tiến triển.
  • Chất ức chế CYP17: Abiraterone được sử dụng trong ung thư tiền liệt tuyến tiến triển: Nguy cơ cao (điểm Glory cao hoặc di căn xương, lan đến cơ quan khác) hoặc không đáp ứng với thiến.
  • Chất kháng androgen: Androgen phải gắn với một protein ở tế bào tuyến tiền liệt gọi là thụ thể androgen để hoạt động. Các chất kháng androgen gắn với các thụ thể này ngăn chặn hoạt động của androgen. Các thuốc bao gồm: Flutamide, Bicalutamide và Nilutamide. Các thuốc này có thể phối hợp với các liệu pháp thiến ở trên. Enzalutamide và Apalutamide là các loại thuốc thế hệ mới hơn. Enzalutamide có thể được sử dụng cho cả ung thư di căn.
  • Các thuốc ức chế androgen khác: Estrogen (nếu các liệu pháp hormon khác không hiệu quả), Ketoconazole (nếu các liệu pháp hormon khác không hiệu quả).

Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ phải phối hợp nhiều thuốc với nhau để tăng tác dụng. Các tác dụng phụ của liệu pháp hormon bao gồm: giảm hoặc không có ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, vú phát triển, loãng xương, thiếu máu, giảm lượng cơ bắp, tăng cân, tăng cholesterol máu…

Hóa trị liệu ung thư: Sử dụng khi ung thư di căn hoặc liệu pháp hormon không còn tác dụng. Một số thuốc thường được sử dụng là: Docetaxel, Cabazitaxel, Mitoxantrone và Estramustine. Các thuốc này có thể làm chậm sự phát triển của ung thư và làm giảm các triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, hóa trị rất khó có khả năng chữa được ung thư tiền liệt tuyến.

Các tác dụng phụ phổ biến của hóa trị liệu bao gồm: rụng tóc, loét miệng, ăn không ngon, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, thiếu máu, chảy máu, nguy cơ nhiễm trùng.

Vaccin: Sipuleucel-T (Provenge) là một vaccin giúp nâng cao miễn dịch của cơ thể, chống lại các tế bào ung thư. Phương pháp này được sử dụng trong ung thư tiền liệt tuyến tiến triển không đáp ứng với liệu pháp hormon. Phương pháp này chưa được chứng minh là có thể chữa được ung thư tiền liệt tuyến. Tác dụng phụ của nó nhẹ hơn hóa trị liệu hoặc liệu pháp hormon: sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau khớp, đau đầu, buồn nôn.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *