HỌC DƯỢC Ở PHÁP NHƯ THẾ NÀO & DƯỢC SĨ TẠI PHÁP CÓ THỂ LÀM GÌ?

học dược ở pháp

Mấy ngày qua nhận được một vài câu hỏi về quy trình đào tạo và vai trò của Dược Sĩ tại Pháp. Mình viết bài này để các bạn quan tâm hiểu rõ hơn về quá trình và có thêm thông tin cần thiết nếu có ý định/cơ hội theo đuổi ngành học thú vị này tại Pháp.

Quá trình đào tạo:

Đào tạo Dược tại Pháp kéo dài từ 6 năm cho 2 mảng: Công Nghiệp Dược (Industry) và Dược Cộng Đồng (Community Pharmacy) đến 9 năm cho mảng Dược Bệnh Viện (Hospital Pharmacy). Được đào tạo ở 24 trường Dược trên toàn nước Pháp và chỉ dạy bằng tiếng Pháp.

– Dù cho quyết định theo mảng nào thì sinh viên phải thi đầu vào năm thứ nhất (được gọi là PACES – Première Année Commune des Études de Santé) với chỉ tiêu nhất định được Bộ Y Tế quy định mỗi năm. Năm nay, chỉ tiêu ngành Dược trên toàn nước Pháp là 3261, phân bổ khác nhau theo từng vùng/trường.

Năm thi này không quá xa lạ cho những ai muốn học ngành Sức Khoẻ tại Pháp, vì đây là kì thi tuyển đầu vào của tất cả các ngành liên quan đến Y Tế (Y, Dược, Nha, Hộ Lý và Vật Lý Trị Liệu) với số « ghế » khác nhau cho mỗi ngành. Năm thi này có thể được xem là nỗi ác mộng với một số thí sinh, vì cạnh tranh khốc liệt từng 0.01 điểm để giành hạng, không có khái niệm tình bạn, tình yêu và là nơi mà « ma cũ » tìm mọi cách làm sao nhãng « ma mới » (phóng máy bay giấy trong giảng đường chẳng hạn haha). Mục tiêu chính của năm học này nhằm đánh giá sự bền bỉ tâm lý và khả năng ghi nhớ số lượng kiến thức khổng lồ/chi tiết của sinh viên. Vào giai đoạn nước rút cao điểm, các thí sinh ôn tập 18-20 tiếng một ngày là chuyện hết sức bình thường.

Sinh viên sẽ phải học cả năm chương trình liên quan rồi thi 2 học kì để xếp hạng. Học kì 1, dù chọn ngành nào, sinh viên sẽ học chung tất cả các môn (Hoá hữu cơ, toán thống kê, lý, sinh học phân tử, phôi sinh học, hoá sinh, etc.) và thi xếp hạng lần 1. Qua học kì 2 sẽ chọn ngành mình mong muốn: bên cạnh một số môn đặc biệt cho từng ngành, sinh viên vẫn tiếp tục học chung một số môn nhất định. Xếp hạng học kì 2 (tổng điểm học kì 1 và 2) sẽ quyết định xem sinh viên có đủ hạng để được ngành mình muốn hay không.

Năm mình thi, tỉ lệ chọi đầu vào ngành Dược xấp xỉ 1/9.

Sinh viên chỉ được quyền học 2 lần năm thứ nhất này: Trượt lần 2 sẽ bắt buộc sinh viên phải chuyển ngành không liên quan đến Y Tế.

– Khi đã đậu năm đầu chuyên ngành Dược, sinh viên sẽ chính thức vào ngành Dược và theo đuổi 2 năm tiếp theo để được nhận Diplôme de formation générale en sciences pharmaceutiques (DFGSP), tương ứng với cấp độ Cử Nhân. 2 năm tiếp theo này bao gồm các kiến thức chung về hoá (khoáng và hữu cơ), sinh lý học, thực vật học, phân tích phân tử, dược lý, dược động, hoá dược, etc. Trong 2 năm này sinh viên sẽ đi thực tập 7 tuần ở nhà thuốc để ứng dụng và củng cố các kiến thức cơ bản.

– Qua năm 4, sinh viên sẽ học chuyên sâu về bệnh lý, nhiễm khuẩn và các thuốc liên quan, tương tác thuốc, tác dụng phụ, cơ chế hoạt động, etc. với các môn thực hành rất thú vị. Cuối năm 4 sinh viên sẽ thực tập thêm 1 tuần ở nhà thuốc và chọn chuyên ngành mong muốn (Industry, Community Pharmacy hoặc Hospital Pharmacy) với các môn đặc biệt cho từng mảng ở năm 5.

– Qua năm 5, tuỳ theo chuyên ngành đã chọn mà sinh viên sẽ được phân bổ khác nhau. Nhưng nhìn chung sinh viên sẽ ít học ở giảng đường hơn và phân chia thời gian của mình ở bệnh viện và trường Dược. Điểm tổng học kì cuối năm 4 sẽ xếp hạng sinh viên và sinh viên sẽ chọn khoa thực tập ở bệnh viện dựa trên thứ hạng của mình. Nếu chọn mảng Industry, sinh viên sẽ phải thực tập thêm 4-6 tháng ở công ty Dược chuyên ngành mình muốn và bắt đầu học song song Master 1 về ngành đó. Đây là thời gian mà các sinh viên chọn ngành Hospital Pharmacy sẽ tập trung ôn thi cho kì thi toàn quốc thường được tổ chức vào tháng 12 mỗi năm ở Paris (tỉ lệ 1/10. Sinh viên cũng chỉ được thi 2 lần – mỗi năm một lần).

học dược ở pháp

Hoàn tất năm 4 và năm 5, sinh viên sẽ được nhận bằng Diplôme de formation approfondie en sciences pharmaceutiques (DFASP), tương ứng với cấp độ Thạc Sĩ.

– Qua năm 6:

  • Nếu theo Dược Cộng Đồng, sinh viên sẽ học 3 tháng ở trường và sau đó thực tập 6 tháng ở nhà thuốc.
  • Nếu theo Công Nghiệp Dược, sinh viên sẽ học Master 2 chuyên ngành mình muốn. Có 2 dạng: học 6 tháng và thực tập 6 tháng hoặc alternance vừa học vừa làm ở công ty trong vòng 12 tháng.
  • Nếu đã đậu kì thi vào ngành Dược Bệnh Viện, sinh viên Nội Trú tiếp tục học thêm 3-4 năm (được trả lương tăng dần theo từng năm).

Dược sĩ tại Pháp có thể làm gì?

Sau 6-9 năm học và bảo vệ thành công Luận Văn tốt nghiệp, sinh viên sẽ được trao bằng Diplôme d’État de Docteur en Pharmacie (Doctor of Pharmacy hay PharmD) và có thể đăng kí vào Hội Dược Sĩ Quốc Gia (bắt buộc tuỳ theo từng mảng và không bắt buộc phải có quốc tịch Pháp để đăng kí vào Hội):

  • Với Dược Cộng Đồng (Community Pharmacy), dược sĩ có thể làm việc tại các nhà thuốc hoặc mở nhà thuốc cho riêng mình. Dược sĩ làm việc tại các nhà thuốc có thể học bổ sung kĩ năng với các Diplômes d’université chuyên về Aromatherapy, Homeopathy hoặc Orthopedy, etc.
  • Với Công Nghiệp Dược (Industry), dược sĩ có thể làm việc ở các công ty Dược, các cơ quan nhà nước (i.e. ANSM, ARS, etc.) hoặc Châu Âu (i.e. EMA). Dược sĩ Industry có thể làm rất nhiều khâu khác nhau, từ những khâu đầu tiên khám phá ra một dược chất mới, thí nghiệm cận và lâm sàng, bào chế, sản xuất, đến những khâu cuối như marketing, regulatory affairs, pharmacovigilance, medical affairs và phân phối thuốc. Dẫu cho không bắt buộc để hoàn thành quá trình học, nhưng để có thể kiếm được việc làm ở Pháp thì dược sĩ Industry cần học thêm một bằng Master liên quan đến ngành mình theo đuổi. Mỗi trường Dược offers những Masters khác nhau mà sinh viên có thể tham khảo trên website của từng trường. Những Masters thường thấy nhất là: Marketing/PharmD, Regulatory Affairs/PharmD, Engineer/PharmD. Các Masters mới nổi có thể kể đến Market Access/PharmD hoặc Health Economics/PharmD.
  • Với Dược Bệnh Viện (Hospital Pharmacy),dược sĩ làm việc ở Bệnh Viên ở các mảng Dược Lâm Sàng (chưa thật sự phổ biến ở Pháp), khoa Dược Bệnh Viện, Xét Nghiệm và Nghiên Cứu.

học dược ở pháp

Ngoài ra, các dược sĩ có lựa chọn học lên tiếp bằng cách làm nghiên cứu theo dạng Tiến Sĩ về một mảng nhất định nào đó (3-4 năm) để trở thành PhD/PharmD. Các mảng nghiên cứu thường thấy có thể kể đến Pharmacokinetics, Pharmacology, Pharmacognosy, etc.

Kindest regards,
Alex Chung Thượng Quý, Pharm.D., MSc

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *