Xét nghiệm mỡ máu (bilan lipid) làm lúc nào trong ngày là tốt nhất? Làm lúc đói có chính xác hơn không?

Xét nghiệm mỡ máu (bilan lipid) làm lúc nào trong ngày là tốt nhất? Làm lúc đói có chính xác hơn không?

BS. Lê Bảo Trung

Phần 2: Bilan lipid trong đánh giá nguy cơ tim mạch

Mỡ máu làm lúc nào trong ngày là tốt nhất?

Trả lời câu hỏi này, nhiều sinh viên y và bác sĩ sẽ không cần suy nghĩ nhiều và trả lời ngay: “làm buổi sáng, cần nhịn đói >8 tiếng trước xét nghiệm”. Đây là những điều đã được dạy ngay trên giảng đường và viết đi viết lại nhiều lần trong các tài liệu kinh điển. Tuy nhiên, điều này có thực sự đúng không?

Cơ sở lý luận

Trước tiên phải xác định rằng, tình trạng “đói” theo tiêu chuẩn để lấy xét nghiệm (nhịn đói 8-12 tiếng, không nạp đường và chất béo) thực tế chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn vào buổi sáng trước khi chúng ta ăn sáng. Trong khi chúng ta gần như luôn ở tình trạng “không đói” trong 24 giờ mỗi ngày. Hơn nữa chúng ta biết rằng, các lipoprotein gây xơ vữa không chỉ được sản xuất ở gan (như LDL-C,VLDL-C, IDL-C) mà còn tới từ các hạt có nguồn gốc từ đường tiêu hóa (ví dụ chylomicron tàn dư) đi vào tuần hoàn. Những hạt này sẽ bị bỏ qua bởi xét nghiệm lúc đói. Như vậy, chúng ta có lý do để tin rằng, mỡ máu lấy lúc “không đói” sẽ phản ánh đúng hơn tổng lượng lipoprotein gây ra tình trạng xơ vữa.

Hình 4. Tình trạng “đói” chỉ chiếm một khoảng thời gian rất nhỏ trong ngày
Hình 4. Tình trạng “đói” chỉ chiếm một khoảng thời gian rất nhỏ trong ngày

Kết quả bilan lipid làm lúc đói và làm bất kì có sự khác biệt đáng kể hay không?

Một nghiên cứu được công bố năm 2008 trên tạp chí Circulation được thực hiện trên 33391 tình nguyện viên nhằm trả lời câu hỏi này. Các đối tượng này được chia thành các nhóm dựa vào khoảng cách từ bữa ăn cuối cùng tới lúc xét nghiệm (1 giờ, 2 giờ, 3 giờ,… 8 giờ và nhóm >8 giờ). Họ được lấy máu xét nghiệm trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng tới 7 giờ tối. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự chênh lệch rất nhỏ các chỉ số LDL-C (chênh lệch tối đa -0.2mmol/L), HDL-C (chênh lệch tối đa -0.1mmol/L), nonHDL, ApoB, ApoA1 giữa các nhóm và bất kể thời điểm lấy xét nghiệm. Chỉ số biến động đáng kể nhất là triglyceride (chênh lệch tối đa +0.3mmol/L) [10].

Hình 5. Sự biến động các chỉ số cholesterol TP (TC), LDL-C, non HDL-C, HDL- C, ApoA1, ApoB, Triglycerides, Albumin theo các mốc thời gian trong ngày. Ngoài sự tăng triglycerides, nghiên cứu cũng ghi nhận sự giảm LDL-C, TC hay nonHDL-C ở nhóm không đói. Lý do được đưa ra là tình trạng hòa loãng máu sau khi ăn, với bằng chứng là sự suy giảm đi kèm của chỉ số albumin máu. Khi được hiệu chỉnh theo albumin, các chỉ số này không còn khác biệt giữa lúc đói và không đói nữa. Điều này vẫn có thể xảy ra đối với những bệnh nhân “đói” khi họ uống nước hay các chất lỏng không có chất béo vào buổi sáng trước khi xét nghiệm [4].
Hình 5. Sự biến động các chỉ số cholesterol TP (TC), LDL-C, non HDL-C, HDL- C, ApoA1, ApoB, Triglycerides, Albumin theo các mốc thời gian trong ngày. Ngoài sự tăng triglycerides, nghiên cứu cũng ghi nhận sự giảm LDL-C, TC hay nonHDL-C ở nhóm không đói. Lý do được đưa ra là tình trạng hòa loãng máu sau khi ăn, với bằng chứng là sự suy giảm đi kèm của chỉ số albumin máu. Khi được hiệu chỉnh theo albumin, các chỉ số này không còn khác biệt giữa lúc đói và không đói nữa. Điều này vẫn có thể xảy ra đối với những bệnh nhân “đói” khi họ uống nước hay các chất lỏng không có chất béo vào buổi sáng trước khi xét nghiệm [4].
Một số nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự với sự biến động không đáng kể các chỉ số LDL, HDL, nonHDL và biến động lớn nhất tới từ triglyceride [2], [11], [12]. Nghiên cứu tại bệnh viện Trường Đại Học Copenhagen thậm chí cho thấy trị số triglycerides ở cả 2 nhóm đói và không đói là không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, kể cả trên đối tượng có triglycerides rất cao lẫn bệnh nhân đái tháo đường [14]. Những nghiên cứu trên người châu Á dường như ghi nhận sự ghi nhận sự chênh lệch triglycerides và Cholesterol lớn hơn [4], [6]. Dù vậy, triglyceride hiện nay không được sử dụng như một chỉ số đánh giá nguy cơ tim mạch. Người ta chỉ thực sự quan tâm khi triglycerides cao >4.5mmol/L (làm sai lệch kết quả LDL-C đo gián tiếp bằng công thức Friedewald) và >10mmol/L (tăng nguy cơ viêm tụy cấp). Và sự chênh lệch nhỏ của LDL-C hay nonHDL không làm thay đổi các quyết định lâm sàng.

Vậy thì làm lúc đói có giá trị hơn không?

Trên thực tế, giá trị của bilan lipid lúc đói hoàn toàn dựa trên bằng chứng dựa trên nhiều nghiên cứu với số lượng trên 300000 người [1]. Chẳng hạn như dữ liệu từ một khảo sát về dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia ở Mỹ từ năm 1988-1994 trên 16161 đối tượng đã được sử dụng để so sánh ý nghĩa của LDL-C trong đánh giá nguy cơ tim mạch giữa 2 nhóm đói và không đói. Kết quả cho thấy, với kết cục tiên phát lẫn thứ phát, LDL-C không đói cho ý nghĩa tiên lượng tương đương lúc đói [1].

Một nghiên cứu hồi cứu ở Mỹ lấy dữ liệu từ 26509 đối tượng nữ giới khỏe mạnh với thời gian theo dõi trung bình 11,4 năm cho thấy triglycerides không đói có giá trị tiên lượng cao hơn triglycerides lấy lúc đói [9].

Hình 6. Mối liên quan giữa giá trị triglycerides với nguy cơ biến cố tim mạch trong tương lai theo từng nhóm theo thời điểm lấy xét nghiệm sau bữa ăn.
Hình 6. Mối liên quan giữa giá trị triglycerides với nguy cơ biến cố tim mạch trong tương lai theo từng nhóm theo thời điểm lấy xét nghiệm sau bữa ăn.
Hình 7. Mối liên quan giữa giá trị triglycerides với các kết cục tim mạch theo nhóm “đói” và “không đói”
Hình 7. Mối liên quan giữa giá trị triglycerides với các kết cục tim mạch theo nhóm “đói” và “không đói”

Như vậy, làm bilan lipid bất kì có ý nghĩa tương đương, thậm chí tốt hơn trong vai trò đánh giá nguy cơ tim mạch khi so với bilan lipid lúc đói.

“nhưng tôi thích làm lúc đói cho tiện”

Các bác sĩ hiện nay vẫn thích thực hiện bilan lipid lúc đói vì phần nhiều bệnh nhân sẽ được chỉ định làm glucose máu đói cùng lúc khi đi khám định kì. Điều này có thể là hợp lý với điều kiện y tế tại Việt Nam. Tuy nhiên cũng phải nói rằng, không phải bệnh nhân nào cũng cần phải làm đường máu đói cùng lúc với bilan lipid. Ở Đan Mạch, chỉ số HbA1C được sử dụng thay cho đường máu đói để chẩn đoán và theo dõi đái tháo đường và vì thế họ không có chỉ số nào yêu cầu bệnh nhân phải nhịn đói để đi xét nghiệm, ngoại trừ những bệnh nhân cần làm nghiệm pháp dung nạp glucose.

Một số nghiên cứu đã ghi nhận tình trạng hạ đường huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường đi khám định kì do bệnh nhân nhịn ăn để làm xét nghiệm [3]. Những bệnh nhân phải được hướng dẫn cẩn thận về vấn đề thay đổi liều thuốc trước những ngày nhịn đói đi xét nghiệm, hoặc đơn giản hơn là bệnh nhân không cần phải nhịn đói khi đi khám định kì nếu không cần thiết. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xem xét lại giá trị của việc làm glucose máu đói mỗi lần đi khám định kì.

Việc không còn yêu cầu bắt buộc làm bilan lipid lúc đói cũng mang lại nhiều lợi ích như: Giúp giàn trải bệnh nhân đi khám trong ngày thay vì dồn hết vào buổi sáng, gián tiếp không bắt bệnh nhân phải quay lại chỉ để lấy kết quả xét nghiệm (khi tất cả cùng làm buổi sáng và phòng xét nghiệm không thể chạy kịp kết quả) nhờ đó giảm chi phí cho bệnh nhân và giúp hạn chế thời gian lưu trữ mẫu bệnh phẩm có thể gây sai lệch, không làm thay đổi thói quen sinh hoạt và dùng thuốc của bệnh nhân.

Các khuyến cáo hiện tại nói gì về vấn đề này?

Năm 2009, Hiệp hội Hóa Sinh Lâm Sàng Đan Mạch đã khuyến nghị sử dụng thường quy bilan lipid không nhịn ăn [5].

Tiếp theo đó là các khuyến nghị tương tự vào năm 2016 của Hiệp hội Xơ vữa động mạch Châu Âu và Liên đoàn Hóa học Lâm sàng và Phòng thí nghiệm Y học Châu Âu, đồng thời cũng nói rằng xét nghiệm bilan lipid nhịn ăn và không nhịn ăn có thể hỗ trợ lẫn nhau chứ không nhằm loại trừ nhau [10].

Cùng năm 2016, Hiệp Hội Bác Sĩ Gia Đình Canada và Hội Tim Mạch Canada đã đưa ra các khuyến cáo liên quan tới vấn đề này. Trong đó, nhấn mạnh rằng không cần thiết phải xét nghiệm bilan lipid lúc đói, thay vào đó có thể sử dụng bilan lipid lúc không đói. Khuyến cáo cũng đề nghị cân nhắc làm bilan lipid lúc đói nếu bệnh nhân có tiền sử triglycerides >4.5mmol/L [8], [7].

Khuyến cáo của ESC về dự phòng nguy cơ tim mạch năm 2021 khuyến cáo sử dụng bilan lipid không đói cho mục đích theo dõi thường quy và đề nghị xem xét cẩn thận giá trị LDL-C khi xét nghiệm bilan lipid không đói trên đối tượng tăng triglycerides, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa [13]. Lý do là chỉ số này có thể bị ảnh hưởng khi triglycerides cao > 4.5mmol/L.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Doran B., Guo Y., Xu J., et al (2014), “Prognostic value of fasting versus nonfasting low-density lipoprotein cholesterol levels on long-term mortality: insight from the National Health and Nutrition Examination Survey III (NHANES-III)”, Circulation, 130(7), pp. 546-553.
  2. Sidhu D., Naugler C. (2012), “Fasting time and lipid levels in a community- based population: a cross-sectional study”, Arch Intern Med, 172(22), pp. 1707-1710.
  3. Aldasouqi S., Sheikh A., Klosterman P., et al (2011), “Hypoglycemia in patients with diabetes on antidiabetic medications who fast for laboratory tests”, Diabetes Care, 34(5), pp. e52.
  4. Xie Y., Qu P., Guo L., et al (2023), “Comparison between Fasting and Non- Fasting Cut-Off Values of Triglyceride in Diagnosing High Triglyceride in Chinese Hypertensive Outpatients”, J Clin Med, 12(7).
  5. Nordestgaard B. G., Hilsted L., Stender S. (2009), “[Plasma lipids in non- fasting patients and signal values of laboratory results]”, Ugeskr Laeger, 171(13), pp. 1093.
  6. Fu Z. F., Liu M. L. (2009), “[Postprandial changes of blood lipid after ordinary Chinese diet and the influencing factors thereof]”, Zhonghua Yi Xue Za Zhi, 89(4), pp. 260-262.
  7. Allan G Michael, Lindblad Adrienne J, Comeau Ann, et al (2015), “Simplified lipid guidelines: Prevention and management of cardiovascular disease in primary care”, 61(10), pp. 857-867.
  8. Anderson Todd J, Grégoire Jean, Pearson Glen J, et al (2016), “2016 Canadian Cardiovascular Society guidelines for the management of dyslipidemia for the prevention of cardiovascular disease in the adult”, 32(11), pp. 1263-1282.
  9. Bansal Sandeep, Buring Julie E., Rifai Nader, et al (2007), “Fasting Compared With Nonfasting Triglycerides and Risk of Cardiovascular Events in Women”, JAMA, 298(3), pp. 309-316.
  10. Langsted Anne, Freiberg Jacob J., Nordestgaard Børge G. (2008), “Fasting and Nonfasting Lipid Levels”, 118(20), pp. 2047-2056.
  11. Langsted Anne, Nordestgaard Børge G (2011), “Nonfasting Lipids, Lipoproteins, and Apolipoproteins in Individuals with and without Diabetes: 58 434 Individuals from the Copenhagen General Population Study”, Clinical Chemistry, 57(3), pp. 482-489.
  12. Steiner Michael J., Skinner Asheley Cockrell, Perrin Eliana M. (2011), “Fasting Might Not Be Necessary Before Lipid Screening: A Nationally Representative Cross-sectional Study”, Pediatrics, 128(3), pp. 463-470.
  13. Visseren Frank LJ, Mach François, Smulders Yvo M, et al (2022), “2021 ESC Guidelines on cardiovascular disease prevention in clinical practice: Developed by the Task Force for cardiovascular disease prevention in clinical practice with representatives of the European Society of Cardiology and 12 medical societies With the special contribution of the European Association of Preventive Cardiology (EAPC)”, 29(1), pp. 5- 115.
  14. Nordestgaard Børge G., Langsted Anne, Mora Samia, et al (2016), “Fasting is not routinely required for determination of a lipid profile: clinical and laboratory implications including flagging at desirable concentration cut- points—a joint consensus statement from the European Atherosclerosis Society and European Federation of Clinical Chemistry and Laboratory Medicine”, European Heart Journal, 37(25), pp. 1944-1958.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *